Monday, April 19, 2010

 

Bản tin ngày 18-04-2010: Tường thuật tổng hợp vụ thầy giáo Ngô Văn Tuyên hành hung học sinh đeo tượng Thánh giá

Đấu tranh cho Tự do Tôn giáo tại Huế
Bản tin ngày 18-04-2010
Tường thuật tổng hợp
vụ thầy giáo Ngô Văn Tuyên hành hung học sinh đeo tượng Thánh giá
tại trường trung học cơ sở An Bằng, Vinh An, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế

Ngày 12-04-2010, thầy giáo Ngô Văn Tuyên ra bài thi học kỳ 2 về môn Giáo dục Công dân cho các học sinh lớp 75 trường THCS An Bằng vào tiết 2 ban sáng. Lớp gồm 37 học sinh cả lương lẫn giáo. Riêng Công giáo có học sinh thuộc giáo xứ Hà Úc và An Bằng.

Làm bài thi chưa được 10 phút, em Lê Tiến Quốc, 13 tuổi, giáo xứ An Bằng, bị thầy Tuyên gọi lên trước lớp. Thầy bảo em cởi dây và tượng Thánh giá ra khỏi cổ. Em không chấp thuận: “Dạ không! Chúa của em thì em đeo!”. Thầy liền xách tai, tát vào mặt em và nắm lấy tượng Thánh giá nơi cổ em, giựt đứt giây đeo. Đoạn thầy nắm tay em kéo xuống phòng Hội đồng trường để xử lý.

Tại phòng Hội đồng có mặt cô Cúc, thầy Tín, thầy Sang và thầy Hóa. Thầy Tuyên trao tượng Thánh giá và dây đeo cho thầy Hóa. Thầy Hóa trả lại cho em Quốc và nói được phép. Thầy Tuyên phản đối và đưa em qua phòng thầy hiệu phó. Thầy hiệu phó đi vắng. Thầy Tuyên cầm đùi trống chỉ vào mặt em Quốc dọa rồi bảo về lớp và tịch thu cả bài thi. Em Quốc đành ngồi không cho đến hết giờ. Các em trong lớp rất khó chịu, nhất là học sinh Công giáo, trước hành vi của ông thầy dạy môn Công dân Giáo dục!!!

Lúc 13g30 cùng ngày, cha mẹ em Quốc là ông Lê Văn An, bà Phạm Thị Hương cùng người bà con là ông Lê Văn Duyệt vào trường gặp thầy Tuyên tại phòng Hội đồng trường. Khoảng 8 thầy cô hiện diện tại phòng.

Cha mẹ em Quốc xin thầy Tuyên xác nhận vụ việc thực hư ra sao để thấy sự thật khách quan. Thầy Tuyên nói chỉ tát nhẹ vào má em Quốc. Rằng thầy có đưa tay cởi dây và tượng, nhưng em Quốc phản ứng thụt lùi nên dây đeo bị đứt !?! Thầy còn cho biết thứ hai tuần trước (05-04-2010), thầy đã ra lệnh em cởi dây và tượng Thánh giá. Em Quốc xin thầy cho các bạn trong lớp đến làm chứng. Thầy cho gọi em Lê Quý Tựu và em Hoàng Thị Nhi tới tường thuật. Hai em kể lại sự việc y như em Quốc chứ không như thầy Tuyên trình bày.

Cha mẹ em Quốc liền nói với thầy là thầy vi phạm quyền trẻ thơ (đánh vào mặt em), chà đạp danh dự người khác (nhục mạ em trước mặt cả lớp học), làm thiệt hại tài sản công dân (giựt đứt dây đeo) và xúc phạm biểu tượng tôn giáo (Thánh giá). Thế nhưng cha mẹ em Quốc chỉ yêu cầu thầy nói rõ cho cả lớp biết hành vi của thầy đúng hay sai. Thầy không chấp thuận, còn dọa nếu muốn cứ lên gặp thầy Hiệu trưởng. Cha mẹ em Quốc từ giã ra về.

Trong Thánh lễ tối, giáo dân An Bằng và linh mục quản xứ Nguyễn Hữu Giải đã cầu nguyện cho em Quốc và cho quyền tự do tôn giáo.

Sáng 13-04-2010, ông chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Văn Đình Trung và ông Phó chủ tịch Lê Lượng đã đến trường gặp thầy hiệu trưởng Phạm Hồng Hải. Họ đem theo một lá thư của linh mục quản xứ gửi thầy hiệu trưởng (xin xem hình) để trình bày vụ việc với ước mong thầy sớm giải tỏa ấn tượng “mang Thánh giá thì bị bách hại” tại trường THCS An Bằng.

Em Phaolô Lê Tiến Quốc

Ngay hôm sau, thầy hiệu trưởng Phạm Hồng Hải đã có thư phúc đáp dưới đây :

Sau khi nhận được thư của thầy hiệu trưởng, thì qua ngày hôm sau, linh mục quản xứ An Bằng, Phêrô Nguyễn Hữu Giải đã có bức thư dưới đây:

Nhận định

1- Sở dĩ có vụ việc một giáo viên dạy môn Công dân Giáo dục làm một hành vi phản giáo dục và xúc phạm công dân như trên, đó là vì cho tới nay, trong các sách giáo khoa cấp 1, 2, 3 do Bộ Giáo dục Cộng sản Việt Nam độc quyền biên soạn và ấn hành, đặc biệt là các sách môn Công dân và môn Lịch sử, còn nhiều chỗ vu khống và lăng mạ tôn giáo. Chẳng hạn trong Tài liệu Giáo dục Công dân lớp 8 của bộ Giáo dục và Đào tạo, do Ngô Văn Thâu và Vũ Quang Hảo biên soạn, Nxb Giáo dục ấn hành, tái bản lần thứ 10, ở trang 37 và 38 có bài “Chuyện vụ án: Trần Đình Thủ lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng”. Trần Đình Thủ chính là một linh mục, vị sáng lập dòng Đồng Công tại Thủ Đức. Ngay cả báo dành cho thiếu nhi của Cộng sản cũng không từ việc vu khống các lãnh đạo tôn giáo nhằm đầu độc các trẻ em (xin xem hình chụp trang báo Thiếu nhi Tiền phong tháng 10-2008 kèm theo). Ngoài ra, thái độ chống báng tôn giáo hay kỳ thị đối với học sinh sinh viên theo tôn giáo (nhất là Công giáo) nơi giáo viên và giáo sư, thậm chí nơi cả ban giám hiệu trong nhiều trường hợp vẫn còn bộc lộ, chẳng hạn vụ sinh viên Công giáo Vũ Hoàng Quang bị bắt và đánh đập tàn nhẫn trong Học viện Tài chính Hà Nội ngày 15-03-2010 mà nhà trường vẫn làm ngơ bỏ mặc. Hay mới đây là vụ trường Cao đẳng Sư phạm Vinh, tỉnh Nghệ An, hôm 14-04-2010, đã buộc các sinh viên làm bản cam kết về nhiều điều trong đó có điều 3: “Không tham gia hoạt động tôn giáo trái phép, không tụ tập sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng công dân, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vi phạm quy ước của địa phương” (xin xem hình chụp). Đây là một quy định vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo và xuyên tạc trắng trợn hoạt động tôn giáo.

2- Vụ việc học sinh Lê Tiến Quốc và sinh viên Vũ Hoàng Quang như trên không phải là trường hợp đơn lẻ mà chắc chắn vẫn xảy ra tại rất nhiều nơi trên khắp Việt Nam từ bao năm nay. Những vụ được nêu ra và đưa lên mạng cho bàn dân thiên hạ thấy nhằm tố cáo Cộng sản là do những người liên hệ (lãnh đạo tôn giáo hay bằng hữu đồng đạo) có lòng yêu mến thiết tha sự thật lẽ phải và tinh thần dũng cảm.

Ở đây tưởng nên nhắc lại bài Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay ra ngày 25-09-2008, trong đó có câu: “Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những thông tin bị bóp méo hoặc cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam gởi Cộng đồng Dân Chúa ra ngày 09-04-2010, trong đó có câu: “Chúng ta đang sống trong thời đại của truyền thông. Được sử dụng cách đúng đắn, những phương tiện truyền thông hiện đại sẽ là những nhịp cầu của hiệp thông, yêu thương và liên đới. Tuy nhiên, những phương tiện này cũng có thể bị lạm dụng để gây chia rẽ, bất hoà và bất ổn”.


Hiển nhiên những lời trên là nhằm phê phán truyền thông của Cộng sản Việt Nam (gần 700 tờ báo và gần 100 đài truyền thanh truyền hình, chưa kể các trang mạng) vốn thường xuyên tạc sự thật và chuyên gây chia rẽ bất hòa. Nhưng để đương đầu với tình thế và cải thiện tình hình này, thì ngược lại, các môn đệ của Đức Kitô Sự Thật cũng phải có can đảm rao truyền chân lý hầu bênh vực lẽ phải. Giả như 2520 giáo xứ (theo thống kê mới nhất) trên toàn cõi Việt Nam -nơi giáo dân tụ về ít nhất ngày chủ nhật- đều là những trung tâm thông tin, có bảng thông tin hàng ngày hay hàng tuần, với những tin tức cập nhật về việc đàn áp nhân quyền, dân chủ và đàn áp tự do tôn giáo, y như tại 3 giáo xứ của các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn, hầu giải độc tâm trí lẫn nuôi dưỡng đầu óc giáo dân (có khi cả lương dân), thì CS lấy đâu ra người để bịt mắt, bịt miệng? Và bức tường ngăn chận tin tức cũng như cái loa ra rả tin dổm của CS sớm muộn gì mà không đổ sụp tan tành! Thế nhưng con cái Sự Sáng và Sự Thật có khôn ngoan cùng can đảm hơn con cái Thế gian và Dối trá chăng?

Nhóm Phóng viên FNA Khối 8406 tường trình từ Huế lúc 22g ngày 18-04-2010






<< Home

This page is powered by Blogger. Isn't yours?

Tin Việt Nam

(freevietnews.com)