Friday, February 27, 2009

 

Đấu tranh cho Tự do Tôn giáo

Đấu tranh cho Tự do Tôn giáo tại Huế
Bản tin ngày 26-02-2009
Vụ việc đất đai Giáo xứ An Bằng sắp nổ lớn !!!


I- Ký sự của Linh mục Quản xứ Nguyễn Hữu Giải

· 25-12-2008: Đại lễ mừng Chúa Giáng sinh, trời mưa, biển động, gió lạnh. Đài Thánh giá giáp An Bắc vẫn bị bao vây canh gác ngày đêm nghiêm ngặt. Công an, cán bộ huyện Phú Vang và xã Vinh An cùng các xã lân cận, bộ đội biên phòng, thường trực có mặt trong 3 trại lớn đóng quanh đài lễ, khoảng 30 đến 40 người, cẩn mật canh giữ. Ban đêm có đèn chiếu sáng, thỉnh thoảng có ánh đèn pin dọi quanh khu vực. Giáo dân viếng Thánh giá, cầu nguyện đều bị quay phim chụp hình, dò ghi bảng số xe môtô.

Khác mọi năm trước, năm nay giáo dân giáp An Bắc mừng lễ Giáng Sinh với một bình hoa dưới chân Thánh giá, không cờ xí rực rỡ, không đèn màu nhấp nháy, không băng chào, không biểu ngữ, không máng cỏ, không thánh lễ, không tiệc vui, không quà cho các em trong giáp, không tặng vật chia sẻ với một số người nghèo (thường tổ chức tại Đài lễ). Nhà cầm quyền CS đã có gởi văn thư, lại đã mời tôi và hội đồng giáo xứ vào xã, mời hai ông trưởng và phó Nguyễn Đức Mân và Lê Minh Chuyên lên huyện, chính thức ra lệnh: cấm hành lễ, cấm trang trí!


13g, đoàn Thiếu nhi Thánh Thể An Bằng và Hà Úc cùng hai linh mục tuyên úy viếng Thánh giá và mừng Chúa Giáng sinh với giáp. Đọc Lời Chúa, hát thánh ca, dâng lời cầu nguyện. Sóng xôn xao, gió lành lạnh, mưa lâm râm! "Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm". Thật vậy chăng???


No-en năm nay, ngước mắt ngắm nhìn Thánh Giá, chúng con dâng Chúa Hài Đồng nước mắt chan hòa nước mưa cầu xin ơn chân lý, công bình, tình thương và tự do!


· 29-12-2008: 12g trưa, mưa lớn, trời lạnh, nhóm 10 giáo dân Hà Úc đi bộ đến viếng Thánh Giá. Suốt 45 phút đứng dưới mưa, đọc kinh cầu nguyện sốt sắng. Trong các trại, tiếng nói cười, la hét rộn ràng của lính gác vang lên. Lời cầu nguyện vẫn đều đều tỏa ngân, an bình.


Một cán bộ cười nhạo: Được trả bao nhiêu tiền tụi bây?

Đa số giáo dân cầu nguyện lúc ấy đều xứng bậc cha mẹ của anh ta. Một ông trả lời: Đừng nói bậy! Mọi người ra về, ôn hòa, tha thứ!


· 07-01-2009: Thư nặc danh đề ngày 01-01-2009 được gởi đến nhiều linh mục, giáo dân trong khu vực, kết án tôi là "ông cha đạo bạo chúa, phản dân hại nước, bất kính với đạo Công giáo, tráo trở lưu manh, gây mất đoàn kết con dân làng An Bằng" !?! Yêu cầu Tổng Giám mục Huế đuổi cổ ra khỏi đạo và lôi cổ khỏi làng An Bằng, không để tiếp tục quấy rối" !!!


· 12-01-2009: Hội đồng hương tộc cùng 43 họ tộc họp tại đình làng An Bằng, bàn về đất làng ở Động Bồ mà xã đã đề nghị giải quyết cấp cho giáp An Bắc. Làng không đồng ý vì là đất của làng.


· 22-01-2009: Chiều 21-01-2009, Hội đồng Giáo xứ nhận được thông báo của phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Phú Vang, đề ngày 15-01-2009, về việc nhận hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền quyết định giao đất.


Sáng nay, ông Văn Đình Trung và ông Đào Tấn Kỹ đại diện HĐGX, ông Nguyễn Đức Mân giáp trưởng An Bắc, lên phòng TN&MT làm việc. Ông phó trưởng phòng Nguyễn Văn Chính cho biết UBND huyện đã có văn bản thống nhất vị trí đất giao cho HĐGX An Bằng là ở Động Bồ.


HĐGX đã trả lời: Chúng tôi không nhận đất ở Động Bồ vì là đất của làng An Bằng và cũng không nhận đất của một tư nhân nào cả!


Ông trưởng giáp nhắc lại "Biên bản họp giáo dân trong giáp" đã gởi huyện năm ngoái (19-12-2008) là giáp không dám nhận đất của làng hoặc của người dân đang sử dụng. Giáp xin chính quyền tạo điều kiện cho giáp an tâm thờ phượng Chúa tại mảnh đất truyền thống của giáp. Ông Chính yêu cầu HĐGX gửi văn thư bày tỏ ý kiến và nguyện vọng càng sớm càng tốt.


· 23-01-2009: Vào lúc 8g30, 14 em lễ sinh đến cầu nguyện tại Đài Thánh Giá. Các anh canh gác mở loa to gây rối. Anh Phạm Phụng, phó công an xã, đe dọa: Tụi bây đến đây làm chi?


Không biết vì lý do gì: được đào tạo, được chỉ thị hay có động cơ thăng quan tiến chức, anh công an này từng có nhiều hành vi hung hăng với giáo dân, nhất là trong mấy tháng nay. Chính anh ta cách đây mấy năm (03-01-2005), ban đêm lúc 22g, đã đột nhập vào sân nhà thờ dùng đùi đánh các em lễ sinh ngồi tại ghế đá trước nhà xứ. (Các em này ở lại tại nhà xứ). Xã đã xin lỗi thay cho anh ta. Tôi đã tha nhưng yêu cầu giáo dục anh nhớ tôn trọng người dân.


Nhờ các em Nguyễn Đức Long, Lê Văn Sáng, Nguyễn Văn Bôn, Văn Công Tịnh khuyên bạn bè bình tĩnh, không phản ứng, nên tất cả tiếp tục đọc kinh, tránh bạo ngôn bạo lực.


HĐGX An Bằng và giáp trưởng An Bắc gửi đơn trình cho UBND huyện Phú Vang và phòng TN&MT huyện, đề ngày 23-01-2009.

Nội dung: HĐGX và giáp không nhận đất của làng ở Động Bồ, vì "khu đất Động Bồ là khu đất thuộc phong thổ, huyết mạch về tâm linh nhân gian của con dân làng An Bằng đã có từ ngàn xưa đến bây giờ. Và làng đã xây thành, trồng cây lâu niên để bảo vệ mạch tâm linh của làng".

Đồng thời đề nghị: "Qua năm tháng thăng trầm chiến tranh cho tới nay, bà con giáo dân giáp An Bắc đã và đang thờ phượng Thiên Chúa trên mảnh đất mà chúng tôi đã làm Đài lễ, xin quý cấp tạo điều kiện cho chúng tôi được mãn nguyện là được tiếp tục cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa trên mảnh đất này".


· 25-01-2009: Hôm nay, 30 Tết âm lịch, giáo dân trang hoàng hai bình hoa dưới chân Thánh Giá và Bàn thờ, rồi thắp hương cầu nguyện. Trời nắng ấm. Sóng yên, biển lặng.

Cán bộ công an vẫn canh gác, vẫn quay phim chụp hình, ghi số xe, gây ồn ào, tạo bầu khí hù dọa, dù số người canh đã giảm và một trại đã được tháo dỡ.


· 26-01-2009: Tết nguyên đán Kỷ Sửu. Đài Thánh Giá chan hòa ánh nắng ấm áp của mùa Xuân. Giáo dân thắp hương cầu nguyện đầu năm mới.


Mồng hai Tết, HĐGX và tôi thắp hương cầu an lành cho giáp và cầu cho công lý hòa bình, cho quyền tư hữu của mọi người dân, mọi tập thể tại Việt Nam.

Tết năm nay, không có Thánh lễ tạ ơn và cầu an tại Đài như mọi năm. Mùa xuân thương khó!

Làng An Bằng đòi quyền sở hữu đất đai

· 02-02-2009: UBND xã Vinh An gửi giấy, đề ngày 30-01-2009, mời HĐGX An Bằng và ban điều hành giáp An Bắc đến đình làng An Bằng lúc 7g30 ngày 02-02-2009 "để đồng chí Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế về thăm và chúc tết năm mới Kỷ Sửu 2009".

HĐGX và BĐH không đến, vì ông chủ tịch UBND xã chỉ có quyền mời vào trụ sở xã. Ban Hương tộc làng mới có quyền mời đến đình làng! Thực vậy, các họ tộc được làng mời chứ không phải UBND xã !

Ông Hồ Xuân Mãn, bí thư tỉnh ủy TT-Huế và một số cán bộ cấp tỉnh, huyện đến đình làng An Bằng thăm tết. Đây là một điều hiếm thấy! Thực sự làng An Bằng đã nhiều lần gặp gỡ và làm đơn kiến nghị các cấp chớ lấy đất Động Bồ của làng mà cấp cho ai sử dụng.


Làng đã có biên bản không đồng ý trong cuộc họp của làng, xã, huyện ngày 19-12-2008 tại UBND xã, trong cuộc họp làng tại đình làng ngày 12-01-2009.


Đại diện Ban Hương tộc làng và một số đại diện 43 họ tộc, lương có giáo có, lần lượt kiến nghị ông bí thư tỉnh ủy TT-Huế chớ nên lấy đất Động Bồ của làng, vì Động Bồ là chỗ dựa vững chắc mang tính tâm linh và tín ngưỡng dân gian, nhân dân trong làng và các họ tộc tin tưởng vào đó để làm ăn xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc và cùng nhau đoàn kết xây dựng Quê hương.

Ông bí thư cho biết chỉ đến lắng nghe. Con dân trong làng tới đình làng khá đông, hơn 200 người.


· 16-02-2009: Ba cán bộ huyện Phú Vang ghé thăm tôi, mừng năm mới, chúc vui vẻ. Các ông cho biết về làm việc với xã, nhưng không tiết lộ nội dung.


· 19-02-2009: Hai công an tỉnh thăm tôi, hứa góp ý cho việc đất đai được sớm giải quyết tốt đẹp!


· 20-02-2009: Được giấy mời, thay mặt HĐGX, ông Văn Đình Trung, ông Đào Tấn Kỹ, ông Nguyễn Thanh vào trụ sở xã làm việc. Ông chủ tịch xã Phạm Bình Tịnh đưa ra 5 lô đất của tư nhân đang sử dụng, để HĐGX chọn một. Xã sẽ trình cấp trên cho phép HĐGX làm Đài lễ cho giáp An Bắc. Đó là các lô đất của ông Lê Bền (400m2), ông Lê Chế (600m2), ông Lê Đạt (400m2), ông Lê Liễn (420m2) và ông Văn Công Chính (477m2).


HĐGX đã trả lời không nhận lô đất nào để tránh phiền phức giữa con cháu các chủ đất với Giáo xứ sau này. Đề nghị xã chấp thuận cho giáp An Bắc được an tâm thờ phượng Chúa tại Đài Thánh giá trên đất mà giáp đã có từ 1961 đến nay.

Qua đề nghị mới này của xã và qua thái độ của Giáo xứ, cuộc đòi quyền sở hữu đất đai của làng An Bằng xem như đã thành công.


Nhưng đất đai của Giáo xứ An Bằng thì sao?


Ngày 28-02-2009 là hạn chót xã yêu cầu Giáo xứ phải tháo dỡ đài Thánh Giá giáp An Bắc. Nếu không, xã sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế!!!


Hiện giờ, mỗi ngày giáo dân từng nhóm đến cầu nguyện trước Thánh Giá, thắp hương xin ơn bình an cho mọi người.

II- Nhận định của Nhóm Phóng viên

Hiện nay, nhà cầm quyền CSVN đang có hai mối lo sợ: một là sợ nhân dân đấu tranh dưới hình thức tập thể, nhất là tập thể tôn giáo (vốn được các lãnh đạo tinh thần hướng dẫn trong bình tĩnh và bất bạo động, nhưng rất quyết liệt và đầy thanh thế); hai là sợ nhân dân đòi lại quyền tư hữu đất đai mà từ lâu CS đã tước đoạt bằng vũ lực để duy trì quyền lực và thâu tóm quyền lợi.

Chính vì thế mà trong cuộc đấu tranh gần đây của các tôn giáo, cụ thể là của Công giáo tại Hà Nội, Sài Gòn, Vĩnh Long, Thừa Thiên…. CS trước hết tìm cách lũng đoạn và chia rẽ các tập thể này bằng cách dùng những chính giáo gian (cụ thể như linh mục quốc doanh Trương Bá Cần vụ Tòa Khâm sứ, nữ tu mặt trận cựu Giám tỉnh Nguyễn Thị Mỹ vụ Dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn…) hoặc bằng cách chia rẽ cộng đoàn giáo dân với làng xã họ tộc như trong vụ việc Giáo xứ An Bằng, qua âm mưu lấy đất thôn làng đền bù cho đất họ đạo.


Thứ đến CS tìm mọi cách để không trả lại quyền tư hữu đất đai rất chính đáng của cá nhân lẫn tập thể. Trong vụ Tòa Khâm sứ, xứ Thái Hà, dòng Phaolô Vĩnh Long là biến đất đai của các tập thể này thành công trình công cộng (một kiểu mỵ dân hoàn toàn giả dối, sai trái, không thể chấp nhận); trong vụ An Bằng thì dối láo rằng khu vực Đài lễ là rừng phòng hộ (thật ra là phần chia chác giữa cán bộ đảng viên một khi con đường du lịch dọc bờ biển hoàn thành).


May thay, tại An Bằng, âm mưu chia rẽ lương với giáo, họ đạo với thôn làng đã thất bại, vì một đàng giáo xứ nhất quyết không chịu hoán đổi mảnh đất truyền thống của mình với đất đai của làng họ hoặc của cá nhân, hai là vin vào vụ việc giáo xứ cương quyết bảo vệ mảnh đất của mình, làng đã đứng lên xác nhận quyền sở hữu của làng trên mảnh đất CS định lấy cấp cho giáo xứ.

CS đã không ngờ được rằng vụ việc Đài lễ đã củng cố mối liên kết lâu đời giữa giáo xứ với các họ tộc, càng không ngờ được rằng các họ tộc đã nhân cơ hội mà đòi lại quyền sở hữu của mình về đất đai. (Xin lưu ý là tại Việt Nam, không những các tôn giáo và các cá nhân bị mất đất, mà các dòng họ cũng bị CS cướp đất hương hỏa hay đất long mạch).


Dù sao, một cơn bão lớn có thể sẽ ập đến trên giáo xứ An Bằng ngày 28-02 tới. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghe tin rằng CS đang tìm cách áp lực trên Giáo quyền để đẩy linh mục Nguyễn Hữu Giải đi một giáo xứ khác (nhân cuộc tái bố trí nhân sự quản xứ sau cuộc tĩnh tâm thường niên của linh mục đoàn Huế vốn sẽ khởi sự từ đầu tháng 03 này). Xin mọi người hiệp thông cầu nguyện cho.

Nhóm Phóng viên FNA tường trình từ Huế, lúc 21g ngày 26-02-2009



 

Phan uu ve Duc Hong Y Pham Dinh Tung


Được tin
ĐỨC HỒNG Y PHAOLÔ-GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG
nguyên Tổng Giám mục Hà Nội
đã được Chúa gọi về ngày 22-02-2009.
Hưởng thọ 90 tuổi.
Chúng con vô cùng thương tiếc
Một Chủ chăn anh dũng của Giáo hội,
Một Ngôn sứ bất khuất của Công lý,
Một Chứng nhân uy tín của lịch sử Việt Nam
dưới chế độ Cộng sản.
Nguyện xin Chúa sớm ân thưởng
Tôi trung của Người trên Thiên Đàng.
Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền:
Linh mục Têphanô Chân Tín
Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải
Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi
VN, 25-02-2009


Wednesday, February 18, 2009

 

Thông cáo của Dòng Mân Côi về một nữ tu giả dạng!


Thursday, February 12, 2009

 

Television's Vietnam: The Real Story




Nếu bạn muốn để Video trên đây vào Blog của bạn thì copy hàng sau đây rồi INSERT vào trong Blog:

<div align="center"><iframe src="http://video.freevietnews.com/realstory/rs.php" width="450" height="500"></iframe></div>


Nếu không INSERT được thì dùng hàng link này:
http://video.freevietnews.com/realstory/rs.php

 

Tuyên bố 9 điểm về tình hình Việt Nam hiện nay

Việt Nam ngày 12 tháng 02 năm 2009

Kính gửi: Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.

Đồng kính gửi: Cộng đồng thế giới dân chủ.

Sau khi bản Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam được công bố trên toàn thế giới vào ngày 8-4-2006, Khối 8406 (tên gọi theo ngày này) đã được thành lập như một tổ chức quần chúng đấu tranh gồm hàng chục ngàn người Việt Nam trong và ngoài nước, nhằm mục tiêu giành lại các quyền tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam bằng con đường hòa bình bất bạo động. Những quyền thiêng liêng này đã bị các thế hệ lãnh đạo trong đảng cộng sản Việt Nam ngang nhiên tước đoạt của dân tộc trong suốt hơn 63 năm qua (2/9/1945 – tháng 2/2009).

Trong năm 2008 vừa qua, tình hình quốc tế đã trải qua rất nhiều biến động, có ảnh hưởng lớn đến tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng,… của Việt Nam.

1) Về kinh tế:

+ Lạm phát gia tăng, sản xuất và dịch vụ đi xuống, đời sống của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam gặp khó khăn chồng chất. Nhiều người lao động bị mất việc làm và không còn thu nhập. Việt Nam lại chẳng có hệ thống an sinh xã hội để bảo đảm mức sống tối thiểu cho người thất nghiệp, cho những kẻ nghèo không nơi nương tựa. Họ đã và đang bị bần cùng hóa một cách thê thảm.

+ Tình trạng khốn khổ này không những xảy ra với dân thường mà còn với cả những người ngay chính, không chịu làm trái lương tâm trong hệ thống công quyền, kể cả trong lực lượng công an và quân đội. Tất cả họ - vốn chiếm đa số trong xã hội - đều thuộc tầng lớp bị trị mà quyền lợi đã và đang bị một thiểu số thống trị trong bộ máy cầm quyền ở Việt Nam hôm nay tham muốn nuốt trọn.

+ Những giải pháp chống lạm phát, chống suy thoái kinh tế do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (NCQ CSVN) đưa ra, tuy bước đầu đạt được vài kết quả nhất định. Thế nhưng xét về thực chất, đó chỉ là những kết quả nửa vời, thiếu căn bản, không giải quyết được tận gốc vấn đề. Các tệ trạng nhất định sẽ bùng phát trở lại ngay trong năm 2009 này. Bởi vì, nguyên nhân sâu xa của chúng là thể chế chính trị độc tài toàn trị vốn vẫn còn y nguyên.

+ Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm 2008 vừa qua cũng đã tác động xấu đến Việt Nam. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng: sự yếu kém toàn diện của bản thân nền kinh tế Việt Nam mới là nguyên nhân chính và đã tiềm ẩn trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, bởi lẽ đó là sự pha trộn kỳ quặc giữa tính chất thị trường cạnh tranh với tính chất "xã hội chủ nghĩa".

2) Về chính trị:

+ Thế kỷ 21 đã bắt đầu được hơn 8 năm với sự nở rộ của nền dân chủ trên toàn thế giới, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn còn phải chịu ách áp bức, bóc lột của một thể chế chính trị độc tài toàn trị, phi nhân bản, phản dân tộc và đi ngược lại các quy luật khách quan. Suốt hơn 63 năm qua, chế độ này luôn tập trung quyền lực vào tay một thiểu số lãnh đạo chính trị bất lương trong đảng cộng sản Việt Nam. Điều này đã triệt tiêu mọi khả năng cống hiến cho quốc gia dân tộc của rất nhiều con dân ưu tú, của những lực lượng chính trị tốt hảo, trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển của đất nước. Chế độ này vẫn đang tiếp tục thực thi một chính sách khủng bố khốc liệt nhằm trói tay, bịt miệng tất cả những người Việt Nam yêu nước dám dũng cảm đứng lên đấu tranh giành lại các quyền tự do dân chủ. Nó không hề lấy sự ủng hộ của lòng dân để xây dựng và phát triển đất nước mà lại lấy bạo lực và lừa bịp làm phương tiện để tồn tại. Những biểu hiện ra bên ngoài của nó là nạn tham nhũng, lãng phí và hủy hoại môi trường rộng khắp; là cảnh áp bức, bất công, đói nghèo và tụt hậu đầy dẫy; là thói mua quan, bán chức nhan nhản, là sự giảm thiểu đạo đức xã hội và gia tăng đủ loại tội ác; là sự xâm phạm ngày càng nghiêm trọng đến an ninh cá nhân và xã hội, đến an ninh dân tộc và quốc gia (biên giới đất và biên giới biển).

Tóm lại, những hệ quả xấu xa và nguy hiểm của chế độ này chẳng những là sự tụt hậu về kinh tế mà còn là sự suy đồi về tất cả các mặt của đời sống đất nước như: đạo đức, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, v.v… Tất cả đang đẩy dân tộc ta vốn có nền văn hiến hàng ngàn năm vào sự suy vong khó tránh khỏi. Điều này thật dễ hiểu, khi mà tập đoàn cầm quyền luôn đặt quyền lợi của họ lên trên quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Tập đoàn ấy, với Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, đã tự quy định cho họ được độc quyền lãnh đạo đất nước vô thời hạn và không hề bị một cơ chế kiểm soát và giám sát nào. Vì vậy họ đã và đang ngày càng tác oai tác quái, đè đầu cưỡi cổ dân tộc. Điều này giải thích vì sao ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam hiện nay, từng phát biểu vào ngày 27-8-2007 rằng: "Dù ai có nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ điều 4 Hiến pháp thì cũng không có chuyện đó được. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát...". Hậu qủa là: Trong xã hội Việt Nam nhiễu nhương và suy đồi hôm nay, những cái cần mất thì lại còn (do dã tâm muốn duy trì) và những cái cần còn thì lại mất (do dã tâm muốn loại bỏ) của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam!

· Trước tình hình trên, Khối 8406 chúng tôi kêu gọi mọi người Việt Nam còn yêu nước thương nòi, không phân biệt già trẻ trai gái, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, hoàn cảnh xuất thân, giai tầng xã hội, địa điểm sinh sống, v.v… hãy cùng đoàn kết đứng lên đấu tranh để thay thế triệt để chế độ độc đảng, độc tài và phản dân tộc này bằng một chế độ dân chủ, đa nguyên đa đảng và pháp trị tiến bộ trong tương lai, bằng những việc làm cụ thể sau đây:

1) Tiếp tục vạch trần sự thối nát, mục ruỗng toàn diện của chế độ độc tài toàn trị hiện nay; vạch trần sự lũng đoạn bất lương của một thiểu số cầm quyền, đặc biệt là của 15 ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đương chức, đang hàng ngày hàng giờ tàn phá đất nước, dân tộc này!

2) Ủng hộ sáng kiến mở chiến dịch khiếu kiện trước Liên Hiệp Quốc về những vi phạm nhân quyền của NCQ CSVN. Đòi họ phải cho đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam 3 văn kiện quan trọng (xin xem phần phụ lục). Đó là:

+ Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hiệp quốc (1948).

+ Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (1966).

+ Công ước quốc tế về những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966).

Nội dung của 3 văn kiện đó chứa đựng những quyền tự do căn bản, mà mọi người trên khắp thế giới đều được hưởng. Nhà nước CHXHCNVN đã ký tất cả 3 văn kiện này vào năm 1982 để lừa mị thế giới tiến bộ, nhưng họ lại luôn cố tình vi phạm chúng ở Việt Nam. Thậm chí tuyệt đại đa số người dân trong nước cũng không hề biết là có chúng. Do đó, trên tinh thần tích cực và chủ động, Khối 8406 kêu gọi các thành viên của mình và mọi người Việt Nam yêu nước ở khắp nơi, bằng tất cả khả năng của mình, hãy chuyển tải được càng nhiều càng tốt 3 văn kiện trên đến với người dân Việt Nam trong nước (thành thị, nông thôn, trung du, sơn cước lẫn đồng bằng). Cần coi đây là một chiến dịch trọng điểm của năm 2009, gắn chặt nó với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa nhằm giành lại tự do dân chủ cho Dân tộc!

3) Lên án các cuộc đàn áp, theo dõi, bắt bớ, đánh đập, khám nhà, gọi thẩm vấn, tịch thu tài sản, đuổi việc, xử phạt hành chính, giam tù,… của NCQ CSVN đối với những tiếng nói đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ. Đòi họ phải thả các tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo; phải để cho những người đấu tranh dân chủ tự do gặp gỡ, hội họp với nhau và với các nhà hoạt động nhân quyền, lãnh đạo chính trị trên thế giới. Tiếp tục khẳng định và chủ động thực thi các quyền tự do căn bản của con người như: tự do tôn giáo tín ngưỡng, thông tin ngôn luận, lập hội lập đảng, biểu tình để đòi các quyền dân sinh, dân chủ, đòi quyền tự quyết cho dân tộc,…

4) Lên án các cuộc đàn áp của NCQ CSVN đối với các cá nhân và tập thể dân sự lẫn tôn giáo đấu tranh đòi lại đất đai bị NCQ CSVN cướp đoạt trên khắp đất nước. Ca ngợi sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc đấu tranh này. Đồng thời, chủ động xây dựng một bản dự thảo Hiến pháp đa đảng, trong đó quyền tư hữu tài sản của công dân, đặc biệt quyền tư hữu về đất đai được tôn trọng và chế độ hộ khẩu bị dứt khoát bãi bỏ.

5) Lên án công hàm bán nước do ông Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 và 2 Hiệp định ký trong 2 năm 1999 - 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc (về đất và biển). Đòi NCQ CSVN phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng 3 văn kiện này cùng những bản đồ và biên bản về các cột mốc biên giới hiện nay song song với Hiệp ước Thiên Tân Pháp - Thanh ký vào năm 1885, để nhân dân Việt Nam có cơ sở so sánh, xem dân tộc đã bị thiệt hại như thế nào. Đòi NCQ CSVN phải cảnh giác và phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử về các âm mưu xâm nhập gặm nhấm, cắm dân cài người của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc ở các tỉnh biên giới phía Bắc, ở vùng Tây Nguyên và ở bất cứ vùng đất, vùng trời và vùng biển nào của Tổ quốc Việt Nam!

6) Tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ về mọi mặt của thế giới dân chủ. Đề nghị họ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, an ninh, văn hóa, giáo dục v.v… với Việt Nam song song với việc yêu cầu và áp lực NCQ CSVN phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản của người dân.

7) Lên án cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989 và những cuộc đàn áp gần đây của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với phong trào dân chủ và dân sinh ở Trung Quốc. Ủng hộ bản Hiến chương 08 (Linh bát Hiến Chương) của các nhà dân chủ nước này được công bố vào ngày 10-12-2008). Đồng thời, kêu gọi sự liên minh, liên kết của các lực lượng đấu tranh dân chủ trong lòng các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới như: Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Hàn.

8) Xây dựng và tăng cường sự đoàn kết đích thực trong nội bộ phong trào dân chủ, với nguyên tắc hợp nhất trong đa diện (nghĩa là chung mục tiêu xóa bỏ chế độ độc tài, xây dựng tự do dân chủ với những phương cách khác biệt). Đồng thời, đấu tranh mạnh mẽ và sáng suốt với âm mưu lũng đoạn thao túng, chia rẽ phá hoại của bộ máy công an cộng sản giữa lòng phong trào dân chủ.

9) Mời gọi Đồng bào Việt Nam ở ngoài nước khi có điều kiện hãy về sát cánh với đồng bào trong nước để cùng đấu tranh cho dân chủ. Xin Đồng bào đừng để mình bị Nghị quyết 36 của bộ chính trị đảng CSVN lừa gạt.

Việt Nam ngày 12 tháng 2 năm 2009.


Ban điều hành lâm thời Khối 8406.

1) Kỹ sư Đỗ Nam Hải – Sài Gòn – Việt Nam.

2) Trung tá Trần Anh Kim – Thái Bình – Việt Nam.

3) Linh mục Phan Văn Lợi – Huế – Việt Nam.

4) Giáo sư Nguyễn Chính Kết (đang vận động dân chủ tại hải ngoại)

(trong sự hiệp thông của linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và nhiều chiến sĩ dân chủ khác, hiện còn đang bị giam cầm trong lao tù cộng sản.)


Tuesday, February 10, 2009

 

Chương trình huấn luyện giáo dân nòng cốt tại TGP Huế

HUẾ -- Hạt thành phố thuộc TGP Huế đã tổ chức chương trình huấn luyện nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng và tinh thần phục vụ cho các giáo dân trong vai trò là giáo dân nòng cốt tại các giáo xứ.

Chương trình huấn luyện này bắt đầu vào ngày 8-2-2009, kéo dài với các buổi học theo lịch cụ thể mỗi tháng một buổi và sẽ kết thúc chương trình học vào ngày 7-6-2009. Các giáo xứ trong Hạt thành Phố được chia thành 4 cụm để việc học và đi lại của giáo dân được thuận lợi.

Mỗi cụm sẽ học tại một địa điểm trong cụm của mình vào các ngày Chúa Nhật 8/2, 8/3, 3/5 và 7/6/2009 với thời gian từ 9h00 đến 11h00.

Cụm A: Giáo xứ Đá Hàn, Bình Điền, Sơn Thủy, Ngọc Hồ ( học tại Dòng Chúa Cứu Thế )
Cụm B: Giáo xứ An Vân, Nguyệt Biều, Thiên An ( học tại Gx Phường Đúc )
Cụm C: Giáo xứ Phú Hậu, Tây Linh, Tây Lộc, Tân Thuỷ, Nam Phổ, Kim Long ( học tại Gx Gia Hội )
Cụm D: Giáo xứ Bến Ngự, Phanxicô Xaviê, Đốc Sơ, Phủ Cam ( học tại TTMV Huế )

Được biết, nội dung học là những đề tài do các Linh mục trong giáo phận trình bày, dựa theo nội dung tập sách "Tài liệu bồi dưỡng Giáo dân nòng cốt" do ông Giêrônimô Nguyễn Văn Nội biên soạn. Với những đề tài thiết thực nhằm giúp cho các giáo dân tham dự có được cái nhìn sâu sắc hơn, nắm được những phương pháp, kỹ năng cộng tác để các công việc phục vụ trong giáo xứ có hiệu quả hơn.

Các cụm về việc học được diễn ra đồng loạt cùng thời gian với nhau và mỗi buổi học gồm 2 đề tài được chia sẻ, thảo luận và những buổi tiếp theo lần lượt tìm hiểu những đề tài còn lại. Ngày 8-2 vừa qua, các giáo xứ trong cụm D đã có buổi học đầu tiên tại Hội trường Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận.

Những giáo dân tham dự buổi học gồm các thành phần trong HĐGX, các thành viên các hội đoàn trong các giáo xứ như: Giáo xứ Bến Ngự, Phanxicô Xaviê, Đốc Sơ, Phủ Cam. Cùng chia sẻ trong buổi học này, LM. Antôn Dương Quỳnh hiện quản xứ Giáo xứ Chánh toà Phủ Cam, Hạt trưởng Hạt thành phố trình bày đề tài về "Cách nuôi dưỡng tinh thần và rèn luyện kỹ năng phục vụ ".

Đây chính là một đề tài rất cần thiết giúp người giáo dân càng thăng tiến hơn trên con đường phục vụ của mình. LM. Antôn còn nhấn mạnh đến vai trò của người giáo dân chính là rườn cột của một giáo xứ, những con người luôn quan tâm và hy sinh cộng tác vào các công việc chung của giáo xứ.

Đặc biệt, Ngài cũng đưa ra những dẫn chứng về người giáo dân với tinh thần phục vụ hăng say từ trước cho đến bây giờ, trải qua biết bao nhiêu thế hệ mà con người đó vẫn còn âm thầm gắn bó với các công việc của giáo xứ. Sự cộng tác đó thật đáng trân trọng và đáng quý biết bao.

Cũng trong buổi học này, với đề tài "Cách thực hiện sổ sách kế toán và báo cáo tài chánh" do Linh mục Phaolô Nguyễn Vũ, hiện phó xứ Gx Phanxicô Xaviê trình bày. Đây là công việc đòi hỏi sự cẩn thận, chính xác và minh bạch. LM Phaolô đã đưa ra một số mẫu thu chi để các giáo xứ tham khảo về cách ghi chép sao cho chính xác, rõ ràng và thứ tự.

Sau phần trình bày của LM. Phaolô, các giáo dân của mỗi giáo xứ cùng nhau thảo luận về đề tài này để đưa ra những giải pháp, ý tưởng để giúp việc quản lý tài sản cũng như tài chánh của giáo xứ sao cho rõ ràng và thuận lợi.

Kết thúc buổi học, LM. Antôn Dương Quỳnh đã tổng kết lại những vấn đề liên quan trong suốt buổi học và đưa ra một số giải pháp, đề xuất cũng như các phương hướng để các giáo dân tham dự có thể thực hiện.

Những kinh nghiệm chia sẻ, những ý kiến thảo luận đã giúp các giáo dân tham dự có thêm được những kỹ năng, kiến thức để từ đó giúp cho các công việc trong giáo xứ càng ngày càng phong phú và hiệu quả.

Các đề tài trong chương trình huấn luyện:

1) Ý nghĩa của quyền bính trong Giáo Hội: phục vụ Dân Chúa.
2) Chức năng của người lãnh đạo Cộng Đoàn hay Nhóm
3) Phẩm chất của người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu Kitô
4) Cách lãnh đạo phù hợp với tinh thần Phúc Âm và Giáo Hội ngày nay.
5) Làm việc chung hay cùng gánh trách nhiệm trong Cộng Đoàn.
6) Soạn thảo, thực hiện và lượng giá một kế hoạch hay dự án mục vụ
7) Cách nuôi dưỡng tinh thần và rèn luyện kỹ năng phục vụ
8) Cách thức hiện sổ sách kế toán và báo cáo tài chính.

Bến Ngự


 

Việt Nam: người Công Giáo Việt Nam kháng cự lại Đảng CS?

PARIS 13/11/2008 -- Trong khi quyền lực cộng sản bảo vệ những đặc quyền của những kẻ tham nhũng trong chế độ thì Giáo Hội công giáo là nơi nương tựa của những người thấp bé.

Đây chưa phải là tình trạng đoạn tuyệt của Ba Lan trong những năm 1980 hay hài kịch vui của cha Dom Camillo chống lại ông Peppone (xã trưởng cộng sản Ý). Nhưng tại Việt Nam, từ mấy tháng qua Giáo Hội công giáo trở thành sức mạnh duy nhất có khả năng đứng lên kháng cự lại chế độ của Hà Nội và làm họ phải gập mình lại.

Nằm giữa thủ đô cách, nhà thờ chính toà khoảng 200 mét, trong khu du lịch, phần đất của toà khâm sứ vào thời thực dân Pháp bình thường sẽ là nơi được xây một hộp đêm và sau đó là một siêu thị. Đảng cộng sản đã quyết định như thế, dĩ nhiên họ cũng muốn thử khả năng kháng cự của Giáo Hội về hồ sơ này. Họ đã gặt những gì họ reo: hàng ngàn người tín hữu đã đến tại chỗ chiếm đóng một cách bất bạo động và yên lặng trong nhiều ngày.

Từ thời cách mạng tại Việt Nam, đó là điều chưa bao giờ thấy. Ngày 19/09 vừa qua, Đảng đã nhượng bộ: Đảng đã cô lập cả khu đất với các nhân viên công an được trang bị súng và dùi cui, Đảng gửi những xe ủi tới phá vỡ các hàng rào khu đất, nơi là một biểu tượng lớn đối với những người công giáo. Ngày hôm sau, 10 ngàn người công giáo cùng với các đại chủng sinh quy tụ tại chỗ và cùng hát bài « Kinh hoà bình » của thánh Phanxicô thành Assise. Cuối cùng, mỗi bên đều giữ được mặt mình, bởi vì mảnh đất đã được biến thành… công viên.

Nhờ Thiên Chúa, nhà chung xưa không trở thành nơi buôn bán. Nhờ đảng cộng sản, Nhà Nước việt nam cho thấy họ không nhượng bộ trước sức ép của các đại diện Toà Thánh.

Giữa các quyền lực đã hườm nhau từ nửa thế kỷ, người cộng sản và các giám mục việt nam biết nhau rất nhiều. Tại Hà Nội, họ sống chung một cách cưỡng ép và căng thẳng, thường đau đớn cho những người kitô giáo hơn là nhiệt thành.

Sáu triệu người công giáo việt nam (họ chiếm 7% trong số 85 triệu dân) rất hiệp nhất sau ĐHY của thành phố Hồ Chí Minh Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, 26 giám mục và ĐTGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt.

Bên kia, người cộng sản có hai khuynh hướng: những người bảo thủ già đi theo Đảng cộng sản trung quốc và những người trẻ hơn đi theo sự hậu thuẫn lớn hơn của Hoa Kỳ để Việt Nam khỏi rơi vào móng vuốt của con hổ trung quốc, kẻ thù không đội trời chung từ hơn ngàn năm. Như một nhà báo trẻ Hà Nội nhấn mạnh: « Người Mỹ là kẻ thù của chúng tôi cách đây 30 năm, người Pháp cách đây 60 năm, và người Tầu luôn là kẻ thù của chúng tôi từ 4000 năm nay ».

Sự tranh chấp hiện nay giữa người công giáo và người cộng sản là về những đất đai và cơ sở bị Việt Minh tịch thu năm 1954. Trở lại quá khứ một chút là điều cần thiết để hiểu hiện tại. Sau hiệp định Genève năm 1954 và sự chia đôi đất nước, một triệu người miền Bắc, trong đó có 600 000 người kitô giáo, di cư vào Nam như hiệp định cho phép. Nhưng tại Hà Nội, Giáo Hội công giáo trở nên tan tác, những linh mục cuối cùng thường bị bỏ tù hay hành hạ đến nỗi bị mất trí. Giữa những năm 1980, theo sau Trung Quốc với khoảng cách trễ 5 năm, Đảng cộng sản việt nam đã bắt đầu cho phép một sự giải phóng kinh tế để thu hút các nguồn đầu tư ngoại quốc và do đó được giả như có sự tôn trọng một vài tự do cá nhân. Cho tới giữa những năm 1980, các nhà thờ bị cộng sản đóng cửa. Sau đó là sự thả lỏng từ từ.

Hiện nay, 350 000 người công giáo thường xuyên lui tới nhà thờ tại Hà Nội, 550 000 tại Hải Phòng. ĐGM Nguyễn Chí Linh địa phận Thanh Hoá giải thích: « Trong quá khứ, chúng tôi không thể rao giảng tin mừng cho những người ngoại đạo, từ nay, các chủng viện của chúng tôi đầy người. Giáo Hội của chúng tôi là cộng đồng duy nhất trong nhân dân dám lên tiếng. Chỉ có người công giáo dám biểu tình một cách công khai ! ».

Hiển nhiên, sự đảo ngược của tương quan quyền lực giữa các cán bộ ý thức hệ của đảng cộng sản và người tín hữu đi liền với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, mới trở thành « con rồng nhỏ » trong vùng. Đất nước hiện nay tràn ngập những nguồn đầu tư đến từ Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, Singapour và mới đây từ Dubai và Arabie Saoudite. Một nhà ngoại giao âu châu giảit thích: « Nhiều dự án bất động sản tới 40 tỷ đang có hiện nay tại Việt Nam, trong đó có dự án xây một Dubai mới ». Một chuyên gia kinh tế tại Hà Nội thêm: « Việt Nam trở thành nơi rửa các nguồn đầu tư đáng nghi ngờ trên thế giới ».

Trong khu Hoàn Kiếm chung quanh nhà thờ chính toà do người Pháp xây, đất được mua bán với giá 20000 usd một thước vuông, gấp ba lần giá tại trung tâm Bangkok.

Hiển nhiên là trong một hệ thống mà nền hành chính theo kiểu liên sô thích ứng rất tốt với một nền tư bản bóc lột theo kiểu Dickens thì Giáo Hội yêu cầu trả lại những tài sản của mình đã bị tịch thu. Có hàng ngàn tài sản kiểu này trên toàn đất nước.

Tại Huế, thủ đô của thời phong kiến xưa, tiểu chủng viện trở thành khách sạn hạng sang của thành phố. Một nhà thờ tại Hà Nội đã biến thành nơi chứa đồ. Tại Đàlạt, nóc nhà nguyện của đại học có một ngôi sao đỏ được treo lên. Nhà dòng kín Hà Nội trở thành nhà thương. Một nhà nữ tu tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một sàn nhảy; một tu viện tại Huế trở thành một siêu thị. Mỗi mảnh đất có giá như vàng. Một nhà ngoại tây phương giải thích: « Những người kitô hữu đứng tuổi ủng hộ Giáo Hội trong cuộc chiến này, bởi vì sự trả lại các tài sản của Giáo Hội sẽ là một tiền lệ, Đảng cộng sản sẽ bắt buộc phải trả lại hàng loạt các tài sản cho những người chủ cũ ».

Do đó Đảng không nhượng bộ gì cả, nhưng Đảng cũng không ở trong vị trí có quyền lực. Bởi vì kinh tế đang âm ỉ, nó đang có mùi cháy, nó đang bị đe doạ sụp xuống. Đúng là trên các đường phố Hà Nội, giới tư bản mới khoe bầy sự giầu có của họ, họ di chuyển bằng xe Porsch Cayenne; những nhãn hiệu hạng sang tranh nhau những gian hàng của những khách sạn 5 sao; và thành phố, dưới những máy xúc đất của các chủ thầu, mất đi dáng hấp dẫn cổ xưa. Nhưng trong bãi lầy của một nước không được điều hành tốt, chi tiêu công cộng mù mờ không rõ ràng, lạm phát bùng nổ lên tới 27% một năm, những túp lều của những người khốn cùng bên bờ sông Hồng mọc lên như cỏ hoang… và cha xứ nhà thờ chính toà ban phép hoà giải cho 9000 trẻ em một năm, vì Giáo Hội lôi cuốn những gia đình trẻ, vì Giáo Hội trở nên đại chúng.

Lương tháng của một kỹ sư là 100 euro, một bộ trưởng là 250 euro và, như cán bộ trẻ giỏi Hoàng dẫn ý: « Điều này làm khó tránh khỏi sự cám dỗ, bởi vì phải có ít nhất 300 euro hàng tháng thì mới có thể nuôi gia đình mình ». Do đó Việt Nam sống trong chứng tâm thần phân lập, giữa thực trạng của các bộ trưởng đi xe hơi và xây nhà sang trọng và thực trạng của một quyền hành không còn một tí gì là đạo đức. Những cảnh tượng trên đường phố cho thấy điều đó: bạn thấy một người đi xe máy bị công an thổi phạt nhưng ông ta vẫn vừa đi tiếp vừa cười, trong khi người công an chạy hụt hơi để bắt người đó dưới sự chế diễu của đám đông.

Trong khung cảnh hậu cộng sản không luật không quyền này, Giáo Hội phân phát cho người nghèo, quở trách những kẻ có quyền năng, là nơi nương tựa cho bất cứ ai. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là sân khấu lớn nhất của sự trở lại đạo này: những thánh đường to lớn mọc lên trong các thành phố nhỏ. Tại Hà Nội, chỉ cần ĐTGM đặt tượng Đức Mẹ sau hàng rào là cả đám đông kéo đến.

Do đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người công giáo gây lủng củng ngay trong Đảng cộng sản. Điều này biểu hiệu trong mùa thu bằng những loạt chỉ trích gay gắt của các cơ quan tuyên truyền của Nhà Nước đối với ĐTGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt. Ngài nói: « Những đòi hỏi về đất đai đã lan rộng trên Việt Nam, bởi vì luật pháp không công nhận quyền tư hữu và vì điều này mở ra con đường cho nhiều trường hợp tham nhũng. »

Điều trở thành rõ ràng: Giáo Hội bênh vực những người thấp bé; Đảng bênh vực những đặc quyền của những kẻ tham nhũng. Tất cả những giám mục được tiếp xúc đều có một cách nói tự do tuyệt đối đối với thẩm quyền đang điều hành, như thể là thẩm quyền này đã mất khả năng cai trị.

Dù thế nào, Đảng đang đi vào một trong những biến động cuối cùng, bởi vì hiện nay nhóm cộng sản việt nam bảo thủ bắt buộc phải dựa vào các đồng chí trung quốc để dành thắng lợi trên nhóm đổi mới. Thủ tướng, người đã gặp ĐGH Bênêđictô XVI năm vừa qua, bị suy yếu bởi phe bảo thủ này. Một hồi kết đáng buồn của một đảng cộng sản từ lâu đã có đầy thành tích vẻ vang, nhưng để điều hành đất nước, họ lại cần được sự che chở của Trung Quốc, kẻ thù từ 4000 năm nay.

(Nguồn: Nhật báo Le Figaro, ngày 13//11/2008, François Hauter, đặc phái viên tại Hà Nội)
Lang Biang dịch




 

Về vụ các giáo dân Thái Hà kiện báo Hà Nội Mới và Đài Truyền Hình Việt Nam

HÀ NỘI - Vụ các giáo dân Thái Hà kiện các cơ quan truyền thông báo chí Nhà nước đưa tin không đúng sự thật về phiên tòa ngày 8/12/2008 đã kéo dài hơn một tháng.

Đây là một vụ kiện hy hữu khiến công luận chú ý, đồng thời cũng khiến các cơ quan pháp luật nơi thụ lý vụ án gặp nhiều khó khăn.

Sau nhiều lần viện dẫn các lý do khác nhau để kéo dài thời gian, ngày 5/2/2009, theo lịch hẹn của tòa, hai giáo dân đứng đơn kiện Báo Hà Nội Mới và Đài Truyền hình Việt Nam đã tới Tòa để làm các thủ tục cần thiết theo đúng trình tự tố tụng.

Theo các giáo dân cho biết, tại Tòa án Nhân dân quận Ba Đình, nơi thụ lý vụ kiện Đài truyền hình Việt Nam, cô thư ký Tòa án cho biết thông tin: "Hôm qua, cô đã gặp ông Chánh án (người trực tiếp xem xét có thụ lý vụ kiện hay không?), để lấy kết quả thụ lý vụ án, ông đã yêu cầu cô ra ngoài và sau đó ông đã bất ngờ đột quỵ và được chuyển đến bệnh viện."

Sau một hồi tranh luận gay gắt, họ được nghe giọng ông qua điện thoại với người thư ký và ông gửi lời xin lỗi vì sự thất hẹn và hứa chắc chắn thứ năm tuần tới (tức ngày 12/2/2009) ông sẽ cho biết kết quả chính thức bằng văn bản là có thụ lý vụ án hay không hay có yêu cầu bổ sung thêm loại giấy tờ, chứng cớ gì nữa.

Buổi chiều, theo đúng hẹn, các giáo dân có mặt rất sớm tại Tòa án Quận Hoàn Kiếm và được cán bộ thư ký Tòa giao cho văn bản trả lại đơn. Sau khi đã đọc rất kỹ văn bản nhưng không thể hiểu ý của văn bản muốn nói gì, các giáo dân đã yêu cầu được giải thích đoạn văn bản này: "Theo đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm do Bà Dung, Bà Việt xuất trình cho Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm, không thể hiện các bà đã gửi lời phát biểu bằng văn bản của mình cho Báo Hà Nội Mới…" (trích nguyên văn), nhưng ông cán bộ đã từ chối trả lời và cho rằng mình chỉ có nghĩa vụ giao thông báo trả lại đơn chứ không có nghĩa vụ giải thích.

Sau khi yêu cầu chính đáng không được chấp nhận, các giáo dân đã yêu cầu ông thư ký Toà cho gặp Thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng, người trực tiếp ra văn bản trả lại đơn để được nghe lời giải thích chính thức nhưng vẫn bị từ chối.

Sau nhiều lần mang hồ sơ lên để xin ý kiến lãnh đạo, cán bộ thư ký mang văn bản Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải thích cho các giáo dân và những người cùng đi. Ông giải thích vòng vo và và cố tình không đi vào trọng tâm vấn đề.

Sau gần một tiếng rưỡi tranh luận, ông thư ký yêu cầu các giáo dân ra ngoài, không giải thích nữa. Các giáo dân yêu cầu lập biên bản về việc yêu cầu họ ra ngoài thì bị từ chối. Thấy sự việc căng thẳng và mất thời gian, các giáo dân quyết định kéo nhau lên lầu 1 để gặp ông Chánh án Tòa án. Ngay lập tức người cán bộ thư ký gọi điện cho hai nhân viên bảo vệ ngăn chặn. Các giáo dân vẫn kiên quyết gõ cửa phòng ông chánh án. Có một nhân viên ra thông báo Chánh án đi vắng, nhưng thực tế ông đang có mặt trong phòng nhưng không lên tiếng. Sau một hồi cãi cọ với nhân viên bảo vệ, thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng xuất hiện và yêu cầu các giáo dân xuống phòng tiếp dân để nghe ông giải thích.

Tại phòng tiếp dân ông giải thích rằng, việc các nguyên đơn gửi đơn cho Báo Hà Nội Mới bằng đường bưu điện và bằng đường trực tiếp không thể hiện việc tài liệu các giáo dân gửi là tài liệu gì.

Điều này hết sức vô lý, nhưng dẫu sao đây cũng là "phán quyết của Tòa" . Các giáo dân đã vui vẻ nhận thông báo trả lại đơn và làm theo hướng dẫn của ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ông bảo "về làm đơn gửi Báo Hà Nội Mới làm sao thể hiện rõ rằng đã gửi đơn yêu cầu đăng lời phát biểu cải chính, biết đâu báo Hà Nội Mới đăng lời cải chính thì không kiện được; còn khi nào họ không cải chính thì ông sẽ nhận đơn và thụ lý vụ án" .

Sáng nay, các giáo dân đã làm xong đơn và tiếp tục tới Báo Hà Nội Mới gửi yêu cầu đăng lời phát biểu cái chính theo như sự hướng dẫn của ngài thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng.

Có ai đó đã nói, vụ các giáo dân Thái Hà kiện các cơ quan truyền thông Nhà nước thì chỉ là "con kiến đi kiện củ khoai" bởi kiện các cơ quan truyền thông cũng là kiện Nhà nước. Dù sao, theo các giáo dân là nguyên đơn cho biết: "Họ sẽ theo đuổi tới cùng vụ khiếu kiện để tìm lại sự thật và công lý, không chỉ cho bản thân mà còn cho đất nước này."

Con đường đi tìm công lý cho Giáo Hội và Dân tộc quả là nhiêu khê cũng chỉ vì chính thể này là một chính thể dối trá không ưa sự thật.

Sự thật thì mất lòng, nhưng thà đau một lần để đất nước bước ra khỏi bóng tối của sự dữ, của bất công vẫn phải là sứ mạng đầu tiên của hết mọi người dân Việt bất kể họ là ai, theo chính kiến hay tôn giáo nào.

Vậy hãy cùng nhau góp một tiếng nói cho Dân tộc và Đất nước được thái bình.

Hà Nội ngày 6/2/2009

An Dân


 

Ls Lê Trần Luật bị công an Hải Phòng triệu tập

Vào thứ Tư ngày 4-2 vừa qua, cơ quan an ninh Hải Phòng đã thông báo cho Luật Sư Lê Trần Luật biết là họ sẽ triệu tập ông để điều tra về những hành vi mà họ cho là có liên quan đến vụ án của cô Phạm Thanh Nghiên, một trong 6 nhà đấu tranh dân chủ mà LS Lê Trần Luật nhận sẽ bào chữa.

Dư luận lo lắng không biết việc LS Luật bị triệu tập liệu có ảnh hưởng đến việc ông bào chữa cho các nhà dân chủ, hiện đã bị tạm giam quá thời hạn 4 tháng hay không.

Vào trung tuần tháng 9 năm ngoái, trong một đợt trấn áp cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam một số người trong đó có nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cô Phạm Thanh Nghiên, thầy giáo Vũ Hùng, anh Phạm Văn Trội, anh Nguyễn Văn Túc và sinh viên Ngô Quỳnh.

Kể từ khi bị bắt, hầu hết các nhà đấu tranh đều chưa hề được gặp mặt thân nhân hay luật sư của họ là ông Lê Trần Luật, một luật sư chuyên bào chữa cho những người đấu tranh đòi công lý, mà nhiều người đã biết đến sau khi ông bào chữa cho vụ Giáo Sứ Thái Hà.

Lời cảnh cáo cho các luật sư

LS Lê Trần Luật cho biết vào ngày thứ Tư 4/2/2009 vừa qua ông đã được cơ quan an ninh Hải Phòng cho biết là chính ông cũng sẽ bị triệu tập để điều tra:

"Sau khi làm những thủ tục cần thiết thì chúng tôi được một anh phó thủ trưởng công an điều tra an ninh của Hải Phòng, ảnh tên là anh Triềm, là người trực tiết điều tra và xử lý vụ án của cô Phạm Thanh Nghiên, đặt thẳng vấn đề với tôi là họ sẽ triệu tập tôi với tư cách là người có liên quan đến vụ án của cô Nghiên"

Sự kiện này đã làm cho thân nhân của các bị cáo rất hoang mang, bà Lợi, mẹ cô Nghiên chia sẻ:

"Như thế là bên an ninh người ta cũng triệu tập cả luật sư đấy! Người ta nói là luật sư cũng dây dưa đến vụ án. Chúng tôi thì là người dân, chẳng biết như thế nào cả…"

Dư luận cho rằng đây là một sự kiện bất thường. Còn LS Lê Trần Luật thì phát biểu:

"Khi tôi là một luật sư thì không có lý do gì để điều tra hết. Tôi cũng có nghĩ đến việc họ đe dọa tôi, bởi vì thật sự nếu tôi có liên quan thì tại sao đến lúc này họ mới nghĩ đến việc triệu tập tôi, hoặc có thể họ không muốn cho tôi là luật sư của những người này. Theo chị Nga với bà Lợi, thì họ nghĩ là chắc cơ quan an ninh không muốn cho tôi là luật sư của những người này thôi, thì họ nghĩ ra cái cách đó thôi."

Việc ông bị triệu tập chỉ là một trong những khó khăn mà LS Lê Trần Luật nhất quyết sẽ vượt qua bằng mọi giá để bào chữa cho thân chủ của mình. Về tình trạng pháp lý của hồ sơ 6 nhà dân chủ thì LS Lê Trần Luật cho biết:

"Tất cả những người này đều chưa được xử, theo cơ quan an ninh thì họ chưa có kết thúc được điều tra và tất cả họ đều nhận thêm một cái lệnh gia hạn tạm giam thêm 4 tháng nữa, cho nên cơ quan an ninh chưa cho tôi được tiếp cận các hồ sơ cũng như là gặp mặt trực tiếp với các bị cáo này. Những thông tin có được tạm thời thì sức khỏe của mọi người cũng đang khá ổn, riêng có anh Nghĩa thì anh ấy đang bị bệnh trĩ rất là nặng, đồng thời anh ấy bị sỏi thận và đau dạ dầy."

Con đường còn gập ghềnh

Ở Việt Nam, những người đấu tranh cho dân chủ thường gặp nhiều khó khăn hơn những tội danh khác, và người ta cho rằng một luật sư chọn bào chữa cho họ là đã tự dấn thân vào một con đường gập ghềnh khó đi nhất, nhưng phục vụ công lý cũng như niềm tin tưởng của thân chủ và người thân của họ là động lực giúp cho luật sư có thể vượt qua những trở ngại và áp lực nặng nề để có thể tiếp tục công việc của mình.

Về điểm này bà Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa chia sẻ:

"Chồng tôi rất là tâm đắc với anh Luật, và hôm vào trong trại giam thì anh Nghĩa cũng nói với tôi rằng là, thuê cho anh ấy hai luật sư, một là Lê Trần Luật, và hai nữa là bác Trần Lâm."

Còn LS Lê Trần Luật thì tâm sự:

"Một trong những cái yếu tố mà nó có thể tạo ra cho tôi một cái sự vững tâm và tự tin khi mà làm việc, đó là sự tin tưởng của thân chủ cũng như là những người thân của nạn nhân đối với lại luật sư.

Tất cả những người thân của những người này luôn luôn tin tưởng và muốn tôi giúp đỡ cho họ, và vừa qua họ cũng tái khẳng định cái sự tin tưởng đối với tôi, bằng cách là viết cho tôi những cái lá thư tay để xác nhận là cho dù như thế nào thì họ vẫn tiếp tục tin tưởng và tiếp tục mong muốn tôi là luật sư cho họ."

Thân nhân các nhà hoạt động dân chủ đã tỏ ra rất kiên cường.

Bà Nga cho rằng chồng bà đã hành xử đúng cương vị của một người cầm bút trong hoàn cảnh đất nước.

"Chồng tôi không có một cái tội gì. Chồng tôi là một người cầm bút, mà nhiệm vụ của một người viết văn, người cầm bút là phải lột tả cái mặt trái của xã hội để phê phán để cho xã hội tốt lên.

Như anh Nghĩa là người vừa là nhà văn vừa là nhà đấu tranh dân chủ, đất nước đang một đảng, người dân không được nói lên cái chính kiến của mình, anh ấy là người đòi đa đảng để cho mọi người dân có tiếng nói của mình để cho đất nước tốt đẹp lên thôi, chứ không có một cái tội gì! "

Vợ của anh Trội và thầy giáo Vũ Hùng cũng tỏ ra vững vàng không kém trước những áp lực mà họ phải đối diện. LS Lê Trần Luật cho biết: "Vợ anh Trội và vợ của thầy giáo Vũ Hùng có nhận được yêu cầu của cơ quan an ninh là viết một cái giấy xác nhận là chồng các chị là những người bệnh tâm thần thì cơ quan an ninh sẽ cam kết là trả tự do cho chồng họ. Họ có giao động, nhưng sau đó họ nghĩ lại là tại sao cơ quan an ninh lại yêu cầu điều đó, và cuối cùng họ quyết định là không thể viết một cái lá đơn là chồng mình là bệnh tâm thần được."

Còn bà Lợi, mẹ cô Nghiên thì nhắn gửi tâm tư của bà đến thế giới bên ngoài qua đài Á Châu Tự Do:

"Con tôi không có tội, bởi vì nói sự thật mà, có sao nói vậy, theo tôi con tôi không có tội! Và tôi nhắn gửi các vị nhân quyền của quốc tế làm thế nào để mọi người có tự do, dân chủ nhân quyền, để cho người dân có ăn có mặc, không ai nói thật mà bị bắt bớ, giam cầm tù đầy, trong đó có con tôi, ở Việt Nam."

(Nguồn: Hà Giang /RFA, ngày 09-02-2009)


This page is powered by Blogger. Isn't yours?

Tin Việt Nam

(freevietnews.com)