Wednesday, August 10, 2011

 

Chuyến hành hương La Vang ngày 08-08-2011

Có lẽ cảm kích về cuộc hành hương của giáo dân thuộc các giáo xứ An Truyền, Phủ Cam, Ngọc Hồ, Dương Sơn (Tổng Giáo phận Huế) hôm 25-07-2011, một cuộc hành hương với những ý cầu nguyện đầy can đảm và thiết thực với hiện tình Việt Nam, bà Thanh Bằng (thuộc nhóm thân hữu Đức Nguyên tại Hoa Kỳ) đã gởi về vị linh mục tại Huế (chuyên tổ chức các cuộc hành hương "gây vấn đề" tại La Vang) thêm một số tiền, để nhờ cha sắp xếp một chuyến hành hương mới ra Linh địa cho khoảng 100 giáo dân nghèo thuộc Tổng giáo phận Huế.

Lần này, vị linh mục đã mời 100 anh chị em tín hữu thuộc các giáo xứ Đá Hàn, An Vân và Sơn Công (nơi có những vị chủ chăn đầy tinh thần yêu chuộng công lý, luôn tìm cách thực thi giáo huấn xã hội của Giáo hội) và nhờ cha Giuse Trần Văn Quý (mục tử tại gia, hành nghề đông y sĩ) hướng dẫn đoàn, y như lần trước.

Khởi hành từ Huế vào lúc 6g sáng ngày 08-08-2011 (lễ thánh Đaminh) trên 2 chiếc xe ca, đoàn đã đến La Vang lúc 8g sáng.

Sau 45 phút chầu Mẹ, đọc kinh Mân Côi tại Linh đài, với ý chỉ cầu nguyện cho cha Nguyễn Văn Lý và những ai bị áp bức tù tội vì làm chứng cho công lý, Thánh lễ đã được cha Giuse cử hành lúc 9g30 cho các giáo dân trong đoàn và cho khoảng 50 giáo dân thuộc các nhóm hành hương khác đến từ nhiều nơi trong Tổng Giáo phận.

Đặc biệt lần này, cha Giuse nhìn thấy (chỉ mình cha nhận ra thôi) một cậu công an trẻ xuất hiện bên ba cây đa, núp sau một chậu bông giấy, tay cầm máy ảnh (và có thể cả máy ghi âm). Mặc! Muốn ghi thì ghi, muốn chụp thì chụp! Với mục tiêu rõ rệt: hành hương cầu nguyện cho công lý nhân quyền, một vấn đề đang nổi bật tại Việt Nam qua việc CS dã man bắt cha Lý vào tù lại trong tình trạng bệnh tật, bất công y án cho luật sư Cù Huy Hà Vũ, đàn áp thô bạo nhân dân biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn, bắt bớ trái phép 8 thành viên cộng đoàn Giáo phận Vinh…. cha Giuse đã có một bài giảng rất hùng hồn, khởi từ ý mừng kính thánh Đaminh. Càng hùng hồn và vang dội Linh đài nhờ lần này có hệ thống khuếch âm (lần trước không có). Đại ý bài giảng của cha như sau:

“Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta mừng kính thánh Đaminh, vị thánh thế kỷ 13 từng lưu danh nhờ đánh đổ lạc giáo Albigeois. Vì chủ trương có hai nguyên lý, hai mãnh lực: thiện và ác, nên lạc giáo này coi khinh thể xác, nơi cư ngụ của mãnh lực ác theo quan niệm của họ. Và thánh Đaminh cùng các anh em trong dòng đã đánh đổ nó bằng một đời sống thánh thiện, khó nghèo (dòng ngài ban đầu gọi là dòng hành khất) và bằng tràng chuỗi Mân Côi, việc đạo đức mà hiện giờ chúng ta vẫn luôn thực hiện. Nhưng thời nay lại có một lạc thuyết Albigeois mới. Do chủ trương duy vật, lạc thuyết Albigeois tân thời này một đàng vừa coi khinh thể xác bằng cách tạo ra một nền luân lý sa đọa, cổ võ hưởng thụ khoái lạc đời này, dung túng tự do luyến ái nơi người trẻ, tuyên truyền chẳng có Thiên Chúa, chẳng có đời sau; đàng khác nó lại hành hạ thể xác, thể xác tha nhân, bằng cách cổ vũ phá thai, mỗi năm giết hàng triệu thai bào, bằng cách đẩy người dân vào chỗ khốn cùng nghèo mạt, bóc lột sức lao động của công nhân, cướp đất đai ruộng vườn sinh kế của nông dân, ví dụ tại giáo xứ Cồn Dầu, bán thanh niên thiếu nữ đi làm nô lệ ở xứ người, rồi bằng cách đàn áp, đánh đập, tra tấn, bỏ tù những ai can đảm đòi công lý và nhân quyền, cụ thể như cha Nguyễn Văn Lý của Giáo phận chúng ta mà anh chị em đều biết rõ…. Vậy, để đánh đổ lạc thuyết Albigeois tân thời này, anh chị em chúng ta trước hết hãy sám hối tội lỗi, cải thiện đời sống, chuyên chăm lần chuỗi Mân Côi như chính Mẹ Maria đã nhiều phen chỉ dạy. Cải thiện đời sống bằng cách sống làm chứng cho công lý, cho sự thật, cho tình thương một cách kiên trì và dũng cảm…”

Tiếp ý bài giảng lễ của cha Giuse, 5 anh chị em giáo dân trong đoàn hành hương -qua hệ thống khuếch âm tối tân, vang vọng cả Linh đài- đã đọc lên sang sảng 5 lời cầu nguyện cộng đồng sau đây (xin ghi lại nguyên văn).

1- Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam nói chung và mọi thành phần trong Giáo hội nói riêng, từ Giám mục, Linh mục, đến Tu sĩ và Giáo dân được trở thành chứng nhân của Thiên Chúa và của Tin Mừng trong xã hội hiện thời. Xin cho tất cả Dân Chúa ngày càng biết rao giảng Tin mừng sự sống một cách can đảm giữa cảnh hàng triệu thai nhi bị tàn sát mỗi năm, ngày càng biết bảo vệ lẽ phải một cách hiên ngang giữa cảnh vô số bất công ngập tràn trong xã hội, ngày càng biết bênh vực sự thật cách mạnh mẽ giữa cảnh gian dối đang thống trị lòng người và đất nước Việt Nam chúng con.

2- Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân Việt Nam đang bị bách hại vì lẽ công chính. Đặc biệt là cho cha Nguyễn Văn Lý đang bị tù lần thứ 4 và năm tù thứ 16 chỉ vì đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền, cho các cha Dòng Chúa Cứu Thế và nhiều linh mục can đảm khắp nước đang bị gây khó dễ trong công việc chỉ vì đường lối mục vụ hướng đến những người nghèo về nhân phẩm, hướng đến những nạn nhân của áp bức. Xin Chúa cho tấm gương của các ngài trở thành lời mời gọi mọi kitô hữu Việt Nam noi theo, để toàn thể Giáo hội trở thành muối men trong xã hội.

3- Chúng ta hãy cầu cho tất cả những ai đang bị sách nhiễu, hăm dọa, tù đày vì đã can đảm đấu tranh cho tự do, cho nhân quyền và cho sự vẹn toàn của Tổ quốc, đặc biệt là cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhà báo Nguyễn Văn Hải, giáo sư Phạm Minh Hoàng, mục sư Nguyễn Trung Tôn, và rất nhiều chiến sĩ dân chủ khác tại Việt Nam. Xin Chúa trợ lực tinh thần của họ, giúp thực hiện lý tưởng của họ, và nâng đỡ gia đình thân nhân của họ. Xin cho tiếng nói đầy thiện chí của họ được lắng nghe, để đất nước chúng con thoát khỏi ngoại xâm, phát triển trong tự do, hòa bình và thịnh vượng.

4- Chúng ta hãy cầu nguyện cho Ủy ban Công lý Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam được xứng với cái tên cao quý của mình, nghĩa là được trở thành tiếng nói uy tín trước mặt xã hội, thành nơi nương tựa cho những ai đang gánh chịu bất công, thành chiến sĩ thực thi công lý một cách kiên trì, can đảm và hữu hiệu. Bởi lẽ Quê hương Việt Nam chúng con đang thiếu công lý và nhân quyền một cách trầm trọng, và ai cũng hy vọng Giáo hội sẽ đem học thuyết xã hội tốt đẹp của mình để góp phần canh tân đất nước.

5- Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta, nhờ cuộc hành hương này, được trở nên những kitô hữu như lòng Chúa mong muốn, nghĩa là biết thực thi một đức tin vững vàng và can đảm, một đức mến hữu hiệu và chân thành, một đức cậy kiên trì và thiết tha. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các ân nhân xa gần đã giúp đỡ phương tiện cho chúng ta có cuộc hành hương đến Đất Mẹ hôm nay. Xin Chúa, qua lời cầu bàu của Mẹ La Vang, trả công bội hậu cho lòng hào hiệp và sự hy sinh của họ.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g30 trong niềm hân hoan của mọi người. Có vài giáo dân nhận định: bài giảng và lời nguyện cộng đồng mới nghe thì thấy sợ nhưng rồi thấy khoái. Giảng lễ và cầu nguyện thì phải như rứa chứ! Nhất là tại nơi Đức Mẹ đã hiện ra trong thời kỳ Giáo hội bị bách hại. Thời nay Giáo hội và người dân vẫn tiếp tục bị bách hại mà!

Đang lúc mọi người cùng nhau dùng bữa trưa (ăn không hết, nhờ các ân nhân phương xa quá ư quảng đại), cậu công an lúc nãy lại lò mò đến gần đoàn, chắc là để nhận diện những “tên chủ mưu, đầu sỏ”. Một giáo dân tinh mắt liền nói to: “Răng cái mặt giống công an ri hè!” rồi cười ha hả. Mọi người cười theo. Cậu ta xấu hổ lỉnh mất. Tiếc là không kịp chụp hình cậu.

Vì lần này công an có chụp ảnh đoàn hành hương, nên chúng tôi cũng không ngại bỏ vào bài một vài tấm ảnh. Còn băng ghi âm bài giảng và 5 lời cầu nguyện, quý vị nào muốn có, xin vui lòng liên lạc với công an tỉnh Quảng Trị!

Nhóm Phóng viên FNA tường trình từ Huế ngày 09-08-2011




Chuyến hành hương La Vang ngày 25-07-2011


Như lệ thường mỗi năm, vào khoảng tháng 7 tháng 8, Ông Bà Đức Nguyên và nhóm Thân hữu đạo hạnh tại Hoa Kỳ đều gởi về cho một linh mục tại Huế một số tiền, để nhờ cha tổ chức một chuyến hành hương La Vang cho khoảng 100 giáo dân nghèo thuộc Tổng giáo phận Huế, tùy cha lựa chọn (gồm có hai chuyến xe đi về trong ngày và hai bữa ăn sáng trưa).

Năm nay, vị linh mục vẫn ưu tiên dành phần lớn số chỗ cho giáo dân An Truyền, là những người từng tỏ ra can đảm khi ở dưới quyền cai quản của linh mục Ta-đê-ô Nguyễn Văn Lý (năm 2001) (vị tù nhân lương tâm vừa bị Cộng sản tống vào trại giam lại) và suốt thời gian giáo xứ vắng chủ chăn (2002-2005) sau khi cha Lý bị bắt vào tù. Thế nhưng, do họ đã có lần đi La Vang cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa (Quảng Bình) mà giăng biểu ngữ (23-08-2009) và sau đó bị mắng mỏ, nên chuyến hành hương dự định dành cho họ tháng 8-2010 đã phải hủy (vì vị linh mục đặc trách nói trên không được vị quản xứ AT trả lời chấp thuận), khiến cho món quà của các ân nhân xa xôi được chuyển cho các giáo dân lâm nạn tại Cồn Dầu, Đà Nẵng. Năm nay cũng vậy, số chỗ định dành cho giáo dân nghèo ở An Truyền là 120, nhưng không hiểu vì lý do gì, số người đăng ký trụt dần, trụt dần, cuối cùng chỉ còn 30. Thành ra vị linh mục đặc trách tổ chức hành hương đành phải đem cho các giáo dân nghèo thuộc các giáo xứ Phủ Cam, Ngọc Hồ, Dương Sơn (Tổng giáo phận Huế). Tổng cộng tất cả gần 130 người.

Chuyến hành hương năm nay đặt dưới sự hướng dẫn và chủ lễ của cha Giuse, bạn của vị linh mục đặc trách. Lý do vị đặc trách này không thể đích thân đưa giáo dân đi theo sự ủy thác của các ân nhân, vì đã lọt vào “2 Sổ Đen” do đã hai lần dẫn giáo dân An Truyền (ngày 23-08-2009) và Nguyệt Biều (ngày 22-08-2010) hành hương La Vang cầu nguyện cho giáo dân Tam Tòa và giáo dân Cồn Dầu (là hai giáo xứ đang bị Cộng sản bách hại khốc liệt).

Khởi hành từ Huế vào lúc 5g sáng ngày 25-07-2011 trên 3 chiếc xe ca, gần 130 giáo dân sốt sắng đã đến La Vang lúc 7g. Khi vừa xuống xe, đi ngang qua cổng chào Thánh địa, một vài giáo dân buột miệng: “Ủa! Sao không ghi là “Trung tâm Thánh mẫu Toàn quốc La Vang” như Tòa thánh đã công nhận mà lại ghi là “Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang” vậy ta? Rứa thì có khác chi mấy trung tâm hành hương khác khắp Việt Nam?”.

Sau giờ chầu Chúa và đọc kinh kính Mẹ tại Linh đài, Thánh lễ đã được cha Giuse cử hành lúc 10g cho các giáo dân trong đoàn và cho nhiều giáo dân thuộc các đoàn hành hương khác từ nhiều nơi trong nước và từ hải ngoại. Ý chỉ của thánh lễ là mừng thánh Giacôbê Tông đồ (lễ kính trong ngày) và cầu nguyện cho Tổ quốc và Giáo hội, cho các giới Đồng bào và các cộng đồng Công giáo đang gánh bất công, đang chịu bách hại, đúng theo tinh thần của Linh địa La Vang, nơi Đức Mẹ đã hiện ra để an ủi cứu giúp các giáo dân bị bắt đạo thời vua Cảnh Thịnh, và vì thế Ngài đã mang tước hiệu “Đức Bà phù hộ các tín hữu”.

Ý chỉ và tinh thần đó đã được diễn tả qua Lời nguyện Giáo dân dưới đây, được 5 giáo dân đọc lên sang sảng dưới bầu trời Linh địa (xin ghi lại nguyên văn).

1- Chúng ta hãy cầu cho Giáo hội Việt Nam được trở thành chứng nhân của Thiên Chúa và của Tin Mừng trong chế độ duy vật vô thần hôm nay. Xin cho Giáo hội ngày càng sáng ngời như kẻ bênh vực quyền lợi của Thiên Chúa và quyền lợi của con người, như kẻ rao giảng Tin mừng sự sống một cách can đảm, như kẻ bảo vệ công lý một cách hiên ngang, để xứng đáng là muối men giữa lòng đất nước Việt như lòng Chúa mong muốn.

2- Chúng ta hãy cầu cho các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân trở thành chứng nhân của công lý, sự thật và tình thương giữa một xã hội ngập tràn bất công, gian trá và hận thù, một xã hội đang làm hư hoại hình ảnh của Thiên Chúa nơi mỗi một con người Việt Nam. Xin cho mọi thành phần Dân Chúa biết sống niềm tin một cách chân thực và hữu hiệu, kiên trì và can đảm, trở nên ánh sáng cho người đi trong tối tăm, trở nên niềm hy vọng cho những ai đang tuyệt vọng.

3- Chúng ta hãy cầu cho các nạn nhân của những bất công vốn đang tràn ngập hiện thời. Cầu cho giáo xứ Đồng Chiêm, Thái Hà tại Hà Nội, giáo xứ Tam Tòa tại Quảng Bình, giáo xứ Loan Lý tại Thừa Thiên, giáo xứ Cồn Dầu tại Đà Nẵng... Cầu cho dòng Phaolô tại Hà Nội, dòng Thiên An tại Huế, dòng thánh Giuse tại Nha Trang, dòng Chúa Cứu Thế tại Sài gòn, dòng Chúa Quan Phòng tại Sóc Trăng… Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nông dân bị lấy đất, cho các thị dân bị chiếm nhà, cho các công nhân bị trả lương không đủ sống, cho các thanh niên thiếu nữ đang lao động bị bóc lột ở nước ngoài.

4- Chúng ta hãy cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam đang lâm nguy vì đạo đức xuống cấp, vì văn hóa suy đồi, vì môi trường ô nhiễm, vì kinh tế tụt hậu, vì đang mất dần vào tay ngoại bang nhiều phần đất, nhiều vùng biển, nhiều hải đảo, khiến cho đời sống nông dân ngày càng cơ cực, sinh kế ngư dân ngày càng nguy hiểm. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhà cầm quyền được sáng suốt, can đảm và liêm chính trong việc quản trị đất nước, lèo lái quốc gia.

5- Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta, nhờ cuộc hành hương này, được trở nên những kitô hữu chân chính như lòng Chúa mong muốn, biết sống niềm tin đích thực trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các ân nhân xa gần đã giúp đỡ phương tiện cho chúng ta có cuộc hành hương hôm nay. Xin Chúa trả công bội hậu cho lòng hào hiệp và sự hy sinh của họ.

Cuộc hành hương kết thúc lúc gần 12g00. Ai nấy trở về trong tâm tình cảm tạ Chúa, cảm tạ Mẹ, cảm ơn các ân nhân, và trong ý chí sống chứng nhân can đảm giữa lòng xã hội.

Nhưng không biết với bản tin này, vị linh mục và các giáo dân đã tham gia cuộc hành hương có bị “đặt vấn đề” như hai đoàn hành hương năm 2009 và 2010 nói trên chăng? hoặc như nhiều giáo dân dũng cảm đã khoác lên người những chiếc áo ghi những lời cầu nguyện cho các giáo xứ và dòng tu lâm nạn trong Đại lễ Bế mạc Năm thánh của Giáo hội Công giáo Việt Nam tại La Vang ngày 04-06/01/2011 chăng? Cầu nguyện công khai cho anh chị em và đồng bào mình bị bách hại sao mà khó thế?

Nhóm Phóng viên FNA tường trình từ Huế ngày 29-07-2011

(Hình ảnh kỷ niệm thì có nhiều, nhưng chúng tôi không dám đưa vào bài, vì sợ gây rắc rối cho các giáo dân hành hương. Xin Quý vị vui lòng thông cảm)











Monday, August 08, 2011

 

THÔNG BÁO KHẨN: Ba người bị bắt trong cuộc biểu tình tại Sài Gòn Chủ Nhật 7-8

Trong cuộc biểu tình ngồi sáng nay tại Sài Gòn, có sự tham gia của 2 nhân vật đấu tranh mà dân mạng biết tiếng (và công an biết mặt), đó là cô Lê Thị Kim Thu (dân oan phóng viên, từng bị giam tù một năm tại Hà Nội, từ 11-2008 đến 11-2009 vì tội "xúi giục dân oan Mai Xuân Thưởng biểu tình") và anh Ngô Duy Quyền, chồng của Luật sư Lê Thị Công Nhân (anh Quyền đã nhiều lần tham dự biểu tình tại Hà Nội tháng 6-7/2011). Anh Duy Quyền, cô Kim Thu và anh Trần Tiến Đạt (một người em họ của anh Quỳnh) đã bị bắt đưa về đồn công an phường Đakao, quận 1, Sài Gòn lúc 11g sáng nay. Hiện chưa có tin tức gì.

Kính xin thông báo với Đồng bào trong và ngoài nước.
Phóng viên FNA Khối 8406

From: CoVang .
To: aotrangcovang@gmail.com















Tin Sài Gòn, theo độc giả X.O, lúc 10h06’: Vòng xoay Quách Thị Trang, trước Chợ Bến Thành có 2 tốp, các chú đứng núp nắng dưới tượng Trần Nguyên Hãn, 1 là công an nghĩa vụ, tầm 4,5 chú, 2 là trật tự đô thị quận 1 cũng tầm 6 chú.

Ngay sứ quán Trung Quốc thì chả hiểu ai xúi mà cơ động, công an và trật tự đô thị ra biểu tình đông lắm, nghe nói bị hiếp đáp phải đi làm chủ nhật hay sao đó, mà họ biểu tình không được hăng say lắm, cũng không thấy biểu ngữ gì cả, được cái bận đồng phục, coi bộ cũng quy củ. Khoảng 10 người ở Hồ Con Rùa, hướng góc 11h (12h là nhìn ra nhà thờ Đức Bà), trước sứ quán thì chỉ vài công an viên nhưng hàng rào thì nhiều vô số kể, hình như ai thu sắt phế liệu về quăng ở đó, ngay góc Nguyễn Văn Chiêm – Phạm Ngọc Thạch, trước Diamond, thì khoảng 10-20 cơ động, hình như họ tập trung đi uống cafe, nhưng nghe đồn rằng các quán cafe Win4, Coffee Bean bị yêu cầu đóng cửa sáng nay đến 11h trưa, nên họ tỏ ra bực dọc, đành đứng trên vỉa hè nhìn các cặp đang chụp hình đám cưới bên nhà thờ Đức Bà.

Cuộc sống sáng nay ngay trung tâm Sài gòn ngoài nắng và gió thì chỉ có công an là phải làm việc, còn bà con thì coi chiều thanh thản, ngủ nghỉ các loại.

Theo AnhBaSam, Facebook.


This page is powered by Blogger. Isn't yours?

Tin Việt Nam

(freevietnews.com)