Sunday, November 11, 2007

 

Đấu tranh cho Tự do Tôn giáo tại Huế

Đấu tranh cho Tự do Tôn giáo tại Huế
Bản tin ngày 07-11-2007
Giáo xứ Sáo Cát tự quyết định lấy lại cơ sở của mình

Lời giới thiệu: Sáo Cát là một giáo xứ nhỏ của Tổng Giáo Phận Huế, khoảng 1100 tín hữu, hiện ở dưới quyền cai quản của linh mục Phaolô Trần Khôi (sinh năm 1953, chịu chức năm 1996). Giáo xứ nằm bên bờ biển, thuộc thôn Đồng Dương, thị trấn Lăng Cô, không xa chân đèo Hải Vân là mấy. Giáo xứ có một ngôi trường tư thục mang tên Đồng Nguyên, nằm trong khuôn viên nhà thờ, xây dựng năm 1954 và được trùng tu năm 1969. Sau năm 1975, cơ sở này bị nhà cầm quyền CS tịch thu và sử dụng làm trường nhà nước, khiến giáo xứ mất nơi dạy giáo lý trẻ em và sinh hoạt hội đoàn. Nay nó đã xuống cấp trầm trọng mà vẫn không được các người đang quản lý nó sửa chữa. Đàng khác, sinh hoạt học đường tại đó đã gây nhiều phiền toái cho sinh hoạt tôn giáo cũng như làm ô nhiễm môi trường quanh nơi thờ tự. Đang khi ấy thì thị trấn Lăng Cô còn nhiều đất đai để xây dựng trường học khang trang hơn nhưng nhà cầm quyền địa phương chẳng màng quan tâm, thậm chí còn đem bán một ngôi trường công lập đã cũ nữa. Thành thử Giáo xứ Sáo Cát thấy đã đến lúc phải tự quyết định lấy lại tài sản của mình hầu dùng cho sinh hoạt tôn giáo và bảo đảm sự tôn nghiêm của nơi thờ tự. Đó là lý do của Tờ trình và Bản Quyết định dưới đây.

Một sự kiện liên quan là cách đây vài tháng, sau khi về nhận nhiệm sở mới, nhận thấy nhân dân hay đi băng ngang sân nhà thờ, biến nó như con đường của thôn, gây bao cảnh lộn xộn, linh mục Trần Khôi liền bắt tay vào việc tái lập trật tự nơi tôn nghiêm bằng cách rào lại khuôn viên (bao gồm nhà thờ, nhà cha xứ, nhà các nữ tu và trường học, xem hình sẽ gởi kỳ sau). Nhà cầm quyền CS địa phương coi đó là một sự thách thức nên rắp tâm trả thù. Đến ngày Giáo xứ Sáo Cát có ý định tráng xi-măng sân nhà thờ (xin xem hình bên dưới), CS ra liền chơi trò hèn hạ bằng cách cấm các đại lý xi-măng, cát sạn tại Lăng Cô bán vật liệu cho Giáo xứ, rồi còn cấm các xe Công nông (một loại xe tải nhỏ tự chế) chuyên chở các vật liệu này đến nhà thờ. Thế là mọi giáo dân có xe máy đều được huy động. Họ mua từng bao xi măng, từng bao cát sạn, đèo sau yên xe, chở đến nhà cha sở. Rốt cuộc thì sân nhà thờ vẫn được lát xi-măng khang trang sạch đẹp, trước đôi mắt căm tức của cán bộ CS địa phương. Nay thì nhà cầm quyền đang lồng lộn trước quyết tâm của Giáo xứ Sáo Cát muốn thực thi quyền sở hữu hợp pháp và lấy lại tài sản chính đáng của mình bị CS ăn cướp từ hơn 30 năm nay. Việc này nằm trong phong trào rộng lớn của toàn thể nhân dân VN –nhất là nông dân- đòi lại đất đai tài sản đã và đang bị Cộng sản tước đoạt cách trắng trợn.

Cũng xin nhắc lại là từ gần hai năm nay, CS muốn chiếm hẳn, cướp gọn (bằng cách “cấp sổ đỏ” cho Phòng Giáo dục huyện) mọi ngôi trường lớn nhỏ mà họ đã “mượn” của các dòng tu, giáo xứ trong Giáo hội Công giáo cũng như của nhiều cộng đoàn thuộc các Giáo hội khác tại VN. Chủ trương ăn cướp vĩnh viễn các tư thục này là của bộ Giáo dục và Đào tạo CSVN. Vụ trường Têrêxa của Dòng Mến Thánh Giá Huế, trường Hồ Đình Hy của Giáo xứ Tây Lộc, trường Mai Khôi của Giáo xứ Phường Tây, trường giáo xứ Hà Thanh thuộc Giáo phận Huế (xin xem lại tài liệu Đấu tranh cho Tự do Tôn giáo tại Huế, Bản tin ngày 24-11-2006 và Bản tin ngày 05-11-2006), trường Bảo Lộc của Giáo xứ Bảo Lộc, Cà Mau, thuộc Giáo phận Cần Thơ (xin xem lại Tài liệu và hình ảnh tung lên mạng gày 26-10-2006)… là những ví dụ điển hình.

Điều đáng nói là một trong những căn cứ pháp lý CS dựa vào là điều 247 khoản 1 trong Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về xác lập quyền sở hữu tài sản theo thời hiệu: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”. Điều khoản này thật ra áp dụng cho đất hoang và đồ vô chủ, đang khi các tư thục là tài sản hợp pháp của các Giáo hội (xin xem lại hồ sơ vụ trường Mai Khôi và đón xem hồ sơ vụ trường Đồng Nguyên, sẽ gởi tiếp). Quả là một luận điệu và lý cớ hết sức phi lý nực cười mà chỉ có Cộng sản mới dám xử dụng !?!

Chúng ta hãy cầu nguyện và ủng hộ cuộc đấu tranh giành lại các tài sản vật chất và tài sản tinh thần (tức các quyền tự do) của mọi thành phần dân tộc tại VN hiện nay.

Nhóm Phóng viên FNA (Free News Agency) từ Huế.

Kỳ sau: Trả lời của nhà cầm quyền và lời phản bác của Giáo xứ.

Hình trái: Giáo xứ Sáo Cát trên bản đồ. Hình phải: linh mục quản xứ Phaolô Trần Khôi (hình lấy từ bìa một CD các bài thánh ca của cha Trần Khôi, vốn cũng là một nhạc sĩ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

Giáo Xứ Sáo Cát

Số 01/TT/GX/2007

TỜ TRÌNH

V/v : Xin trả lại Cơ sở Tư Thục-Tôn Giáo của Giáo Xứ Sáo Cát
đang bị tùy tiện chiếm dụng trong nơi thờ tự.

Kính gởi :

- Ủy Ban Nhân Dân Thị Trấn Lăng Cô
- Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Thị Trấn Lăng Cô

I. Căn Cứ

- Căn cứ Nghị Định 26/1999/NĐCP trong điều 11, số 1 (xác định lại NĐ 69/HĐBT, 21-3-1991) qui định rằng: “Nhà Nước bảo hộ nơi thờ tự của tổ chức tôn giáo”, và số 2 nói : “Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gìn giữ, tu bổ nơi thờ tự”.

- Căn cứ Thông Tư số 01/1999/TT/TGCP hướng dẫn thực hiện Nghị Định của Chính Phủ số 26/1999/NĐ-CP, ngày 19-04-1999 như sau: “Cơ sở thờ tự của tổ chức tôn giáo là sở hữu chung của cộng đồng tín đồ được Nhà Nước bảo hộ” (Mục III, số 1), (Điều 70 Hiến Pháp, điều 234 Bộ luật Dân Sự cũng đề cập tới điều nầy). Và “Không để cơ sở thờ tự bị lấn chiếm. Nhà Nước bảo hộ cơ sở thờ tự tôn giáo

- Căn cứ Pháp Lệnh Tín Ngưỡng Tôn Giáo, số 21/2004/PL-UBTVQH11, Điều 26 ra ngày 18-06-2004 xác định: “Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó và Nghị Định 22/2005/NĐ-CP ngày 01-03-2005 hướng dẫn thi hành Pháp Lệnh.

- Căn cứ Thông Tư số 01/1999/TGCP, mục III, số 1 nói: “Cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo cho mượn có thời hạn nay đã hết hạn thì phải trả lại. Nếu có nhu cầu sử dụng phải thỏa thuận với tổ chức tôn giáo”.

- Căn cứ vào Bộ Trưởng Thủ Tướng (Ông Vũ Thân) lên tiếng, ký ngày 22-11-1977, số 1474-VP8: “Một số địa phương có ý định sử dụng cơ sở tôn giáo làm cho các người tu hành và các tín hữu thắc mắc kêu ca, ảnh hưởng không tốt về mặt chính trị. Do đó… yêu cầu UBND các cấp mỗi khi muốn trưng thu, trưng dụng…, hết sức tránh những việc làm tự tiện gây ảnh hưởng không tốt trong quần chúng tôn giáo".

- Căn cứ Quyết định số 1447/GD&ĐT của Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Ông Trần Hồng Quân, ra ngày 2-6-1994 qui định rõ: “Không dùng nơi phụng tự và sinh hoạt tôn giáo để tổ chức trường lớp”.

- Căn cứ Nghi Định 26, điều 11, triệt 3 qui định: “Nhà, đất và các tài sản khác đã được tổ chức, cá nhân tôn giáo chuyển giao cho các cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng do thực hiện chính sách của Nhà Nước Việt Nam... hoặc tặng, hiến cho Nhà Nước thì đều thuộc quyền sở hữu của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.

- Căn cứ vào các công văn cũ: Nghị Định 297-CP (1977); Nghị Định 69/HĐBT (1991).

- Căn cứ Chỉ Thị 379/TTG (1993) trong tinh thần đổi mới.

- Căn cứ Báo Thanh Niên Số 66: Kỳ họp thứ 11: Quốc Hội khóa IX thảo luận dự thảo Nghị Quyết về giao dịch dân sự về nhà ở: “Ngày 31-12-1998 là hạn chót các cơ quan phải trả lại nhà đã mượn hoặc ở nhờ. Chậm nhất là 31-12-2000 đối với nhà cho thuê; 31-12-1998 đối với nhà cho mượn, hoặc ở nhờ”.

- Căn cứ Nghị Định của Chính Phủ số 43/2000/NĐ-CP ngày 30-8-2000 chương III, điều 13d của nói rõ: “Tư thục là cơ sở giáo dục ngoài công lập”.

- Căn cứ vào công văn của Chủ Tịch UBND Thị Trấn Lăng Cô, số 03/CV2003-UBND đề ngày 10-04-2003, trả lời cho Linh mục và giáo dân Giáo xứ Sáo Cát rằng: “UBND Thị Trấn Lăng Cô không chấp thuận những nội dung trong văn thư yêu cầu của Linh Mục và HĐGX. UBND Thị Trấn Lăng Cô trả lời để Linh Mục, HĐGX, Trường Tiểu Học Thị Trấn Lăng Cô biết để thực hiện”.

- Căn Cứ Nghị Định 84/2007/NĐ-CP ban hành ngày 25-05-2007.

- Căn cứ Lịch sử Giáo Xứ Sáo Cát, trong quyển “Lược Sử các Giáo Xứ” của Tổng Giáo Phận Huế, Tập 1, trang 466.

* Đề nghị UBND Thị Trấn Lăng Cô nhanh chóng quan tâm các điều liên quan tới Nghị Định 43 : Qui hoạch mạng lưới trường học, và nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (x. NĐ 43, điều 12, số 1).

* Đề nghị : Thời gian chuyển tiếp qui hoạch mạng lưới trường học xứng hợp cho quốc dân và xét giải quyết công minh cho yêu cầu trả lại cơ sở và quyền sở hữu của Giáo Xứ Sáo Cát chúng tôi trên cơ sở tư thục-tôn giáo đang bị tước đoạt, thời gian kể từ ngày ký văn thư nầy (14-09-2007) đến 31-10-2007 (tham chiếu Nghị Định 84/2007/NĐ-CP ban hành 25-05-2007).

Trong khi chuyển tiếp qui hoạch, hai bên sẽ luôn thể hiện trong sự hiểu biết, nhẫn nại, chờ đợi và thông cảm lẫn nhau, để cùng nhau hài hòa giải quyết, xây dựng một nền văn hóa, văn minh cho Thị Trấn và cho cả Tôn Giáo trong thế giới hôm nay giữa lòng Thị Trấn Lăng Cô đang phát triển tràn đầy hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn.

II. Trình bày

Chúng tôi, Hội Đồng Giáo Xứ và toàn thể Giáo dân Giáo Xứ Sáo Cát, được sự chấp thuận của Linh Mục Quản Xứ, thuộc thôn Đồng Dương, Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên, Huế, xin kính trình một việc như sau:

1. Cơ sở Tiểu Học Tư Thục Đồng Nguyên, tự bản chất là một Cơ Sở của Tôn Giáo nằm trong nơi thờ tự của Giáo Xứ Sáo Cát, căn cứ lịch sử Giáo Xứ Sáo Cát, được xây dựng từ năm 1954. Cơ sở nầy gắn bó hữu cơ với lịch sử của Giáo Xứ, do công lao xương máu, mồ hôi, vất vả, góp công góp của của cộng đồng giáo dân từ 15 tuổi đến 60 tuổi, và do các Linh mục Cựu Quản Xứ Tiền Nhiệm của Giáo Xứ. Cơ sở nầy bị hư hỏng và xuống cấp theo thời gian với những thăng trầm lịch sử của Đất Nước và được sửa chữa lại vào năm 1969-1970, cũng do công sức của các Linh mục Cựu Quản Xứ Tiền Nhiệm và cộng đồng giáo dân Giáo Xứ Sáo Cát với mục đích đào tạo nhân bản và tôn giáo cho con em trong giáo xứ.

a. Xét về phương diện tôn giáo: Căn cứ vào Nghị Định (cũ) 297-CP (1977); Nghị Định 69 (cũ), điều 11; Chỉ Thị 379/TTG (1993); Nghị Định 26, điều 11; Pháp Lệnh Tín Ngưỡng, Tôn Giáo, điều 26, Cơ sở nầy là một cơ sở của tôn giáo trong nơi thờ tự, được chính sách Nhà Nước bảo hộ và có tính “nghiêm cấm việc xâm phạm” tài sản của tôn giáo.

b. Xét về phương diện Tư Thục, Cơ sở của tôn giáo nầy do Giáo Xứ xây dựng và sở hữu trong nơi thờ tự của mình suốt dòng lịch sử của Giáo Xứ. Căn cứ Nghị Định của Chính Phủ số 43/2000/NĐ-CP ngày 30-8-2000 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo Dục, trong đó đề cập tới vấn đề Tư Thục. Chính Phủ căn cứ luật tổ chức chính phủ ngày 30-9-1992; Căn cứ Luật Giáo Dục ngày 02-12-1998; Theo đề nghị của Bộ Trưởng Giáo Dục và Đào Tạo, Nghị Định 43, chương III, điều 13d nói rõ: “Cơ sở giáo dục tư thục: do cá nhân hay một nhóm cá nhân tự đầu tư. Các cơ sở giáo dục bán công, dân lập, tư thục gọi chung là cơ sở giáo dục ngoài công lập”.

Vậy cơ sở tư thục-tôn giáo nầy không thuộc quyền sở hữu công lập mà là thuộc quyền sở hữu của cộng đồng Giáo xứ Sáo Cát như đã trình bày.

2. Về cơ sở của Giáo Xứ trong nơi thờ tự, ngoài việc được Nhà Nước bảo hộ theo chính sách qua các Nghị Định và Pháp Lệnh, Thông Tư số 01/1999/TGCP, mục III, số 1 còn nói: “Cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo cho mượn có thời hạn nay đã hết hạn thì phải trả lại. Nếu có nhu cầu sử dụng phải thỏa thuận với tổ chức tôn giáo”.

Trước đây, dù đã qua thời gian dài, nhưng tinh thần chính sách của Nhà Nước đối với nơi thờ tự và cả cơ sở của tôn giáo vẫn hợp thời tôn trọng, do đó Bộ Trưởng Thủ Tướng (Ông Vũ Thân) lên tiếng trong Quyết Định ký ngày 22-11-1977, số 1474-VP8: “Một số địa phương có ý định sử dụng cơ sở tôn giáo làm cho các người tu hành và các tín hữu thắc mắc kêu ca, ảnh hưởng không tốt về mặt chính trị. Do đó.... yêu cầu UBND các cấp mỗi khi muốn trưng thu, trưng dụng…, hết sức tránh những việc làm tự tiện gây ảnh hưởng không tốt trong quần chúng tôn giáo”.

* Xét hành vi của UBND Thị Trấn Lăng Cô và Trường Tiểu học Thị Trấn Lăng Cô tùy tiện chiếm dụng cơ sở tư thục-tôn giáo nầy như hiện nay và không một bàn hỏi về sự đồng ý của Giáo xứ, hành vi đó có phù hợp với chính sách của Nhà Nước hay không?[1]

3. Căn Cứ Quyết định số 1447/GD&ĐT của Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Ông Trần Hồng Quân, ra ngày 2-6-1994 qui định rõ: “Không dùng nơi phụng tự và sinh hoạt tôn giáo để tổ chức trường lớp”.

* Xét hành vi tùy tiện chiếm dụng của UBND Thị Trấn Lăng Cô và của Trường Tiểu Học Thị Trấn Lăng Cô để sinh hoạt trường lớp liên quan tới cơ sở tư thục-tôn giáo của Giáo Xứ trong nơi thờ tự như hiện nay, có phù hợp với đường lối chính sách của Nhà Nước và Bộ Giáo Dục và Đào Tạo không?[2]

4. Căn Cứ Nghi Định 26, điều 11, triệt 3 qui định: “Nhà, đất và các tài sản khác đã được tổ chức, cá nhân tôn giáo chuyển giao cho các cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng do thực hiện chính sách của Nhà Nước Việt Nam... hoặc tặng, hiến cho Nhà Nước thì đều thuộc quyền sở hữu của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.

* Xét rằng cơ sở tư thục-tôn giáo của Giáo Xứ Sáo Cát trong nơi thờ tự đang bị UBND và Trường Tiểu Học Thị Trấn Lăng Cô tùy tiện chiếm dụng mà không có một sự đồng ý nào của Giáo Xứ về sự chuyển giao hoặc tặng, hiến, hành vi tùy tiện chiếm dụng của UB và Trường Tiểu Học Thị Trấn Lăng Cô có phù hợp với chính sách của Nhà Nước tôn trọng và bảo hộ nơi thờ tự của tôn giáo và bảo hộ cơ sở của tôn giáo không? (x.NĐ 26, đ11; PL, đ 26 ).[3]

5. Căn cứ Thông Tư số 01/1999/TGCP, mục III, số 1 còn nói: “Cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo cho mượn có thời hạn nay đã hết hạn thì phải trả lại. Nếu có nhu cầu sử dụng phải thỏa thuận với tổ chức tôn giáo”.

Căn cứ Báo Thanh Niên Số 66: Kỳ họp thứ 11: Quốc Hội khóa IX thảo luận dự thảo Nghị Quyết về giao dịch dân sự về nhà ở: “Ngày 31-12-1998 là hạn chót các cơ quan phải trả lại nhà đã mượn hoặc ở nhờ. Chậm nhất là 31-12-2000 đối với nhà cho thuê; 31-12-1998 đối với nhà cho mượn, hoặc ở nhờ”.

Nơi đây, cơ sở tư thục-tôn giáo của Giáo Xứ nằm trong nơi thờ tự của Giáo Xứ, từ trước đến nay không bao giờ cho mượn, chuyển giao, hoặc tặng hiến, nhưng bị tùy tiện chiếm dụng thì càng phải trả lại theo công bằng xã hội khi Giáo xứ yêu cầu trả lại quyền sở hữu của Giáo Xứ trên cơ sở tư thục-tôn giáo nầy.

Hoặc Căn Cứ Thông Tư “nếu có nhu cầu sử dụng phải thỏa thuận với tổ chức tôn giáo. Giáo Xứ không bao giờ được ai hỏi ý kiến và không bao giờ có sự thỏa thuận nào với ai trong vấn đề liên quan tới cơ sở tư thục-tôn giáo nầy của Giáo Xứ, nhưng trên thực tế, cơ sở tư thục-tôn giáo nầy của Giáo Xứ cứ qua thời gian mãi bị tùy tiện chiếm dụng, và bị tước đoạt một cách không phù hợp với đường lối chính sách tôn trọng tài sản và bảo hộ tôn giáo của Nhà Nước và không phù hợp với Quyết định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (x. QĐ số 1447). Hành vi tùy tiện chiếm dụng và tước đoạt như thế có phù hợp không?[4]

Một sự kiện rất cụ thể sau đây để chứng minh về sự truất bỏ quyền sở hữu của Giáo Xứ Sáo Cát trên cơ sở của mình: Vào tháng 03-2003, Linh Mục Cựu Quản Xứ Lê văn Cao và toàn thể Giáo Xứ Sáo Cát gởi yêu cầu UBND Thị Trấn Lăng Cô trả lại cơ sở tư thục-tôn giáo nầy cho Giáo Xứ vì Giáo Xứ đang trên đà phát triển cần hòa nhập với văn minh thời đại với các nhu cầu mục vụ cấp bách. Nhưng được đại diện Chính Quyền, ông Trần Bình Trọng, Chủ Tịch UBND Thị Trấn Lăng Cô trong công văn số 03/CV2003-UBND đề ngày 10-04-2003, trả lời cho Linh Mục và giáo dân Giáo xứ Sáo Cát, rằng: “Từ ngày thống nhất đất nước (1975) cho đến nay, các Linh mục và giáo dân thuộc Giáo Xứ Sáo Cát đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cùng với nhân dân trong xã xây dựng quê hương Lộc Hải trở thành Thị Trấn Lăng Cô ngày nay”. Vừa mới đề cao tinh thần tích cực góp phần của Giáo Xứ Sáo Cát, Ông Chủ tịch tiếp ngay sau đó truất bỏ quyền sở hữu của Giáo xứ trên chính cơ sở Tiểu học Tư Thục Đồng Nguyên do Giáo xứ sở hữu xây dựng, khi ông viết rằng: “Cơ Sở 2, Trường Tiểu Học Lăng Cô ở trên địa bàn thôn Đồng Dương đã và đang được sử dụng vào việc dạy cho con em của nhân dân địa phương... Cho nên phải tiếp tục sử dụng ngôi trường nói trên[5] phục vụ mục đích dạy học cho con em trên địa bàn”. Ông Chủ Tịch chính thức xác nhận sự tùy tiện chiếm dụng và tước đoạt khi gọt bỏ cái danh hiệu “Tiểu học Tư Thục Đồng Nguyên” để dán vào đó cái danh hiệu mới “Cơ Sở 2, Trường Tiểu Học Lăng Cô” mà không có một thỏa thuận nào của Giáo Xứ. (Xin xem hình ảnh 1 và 2 minh thị kèm theo ở trang 9).

- Ông Chủ tịch đã dựa vào lý do “dạy học cho con em” để dùng phương sách “tước đoạt cơ sở và quyền sở hữu của Giáo Xứ”, nên tiếp tục minh nhiên quyết định: “UBND Thị Trấn Lăng Cô không chấp thuận những nội dung trong văn thư yêu cầu của Linh Mục và HĐGX. UBND Thị Trấn Lăng Cô trả lời để Linh Mục, HĐGX, Trường Tiểu Học Thị Trấn Lăng Cô biết để thực hiện”.

* Xét rằng công văn trả lời của ông Trần Bình Trọng, Chủ Tịch UBND, là một quyết định “tước đọat và không trả lại” và cũng “không thỏa thuận với tổ chức tôn giáo” lại còn xác định “biết để thực hiện”, nghĩa là “quyết ý chiếm dụng, tước đoạt quyền sở hữu của Giáo Xứ Sáo Cát, để sử dụng cơ sở và sinh hoạt trường ốc trong nơi thờ tự”, ngược với ý muốn của cộng đồng giáo dân, ngược với Quyết định số 1447/GD&ĐT của Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Ông Trần Hồng Quân, ra ngày 2-6-1994 qui định rõ: “Không dùng nơi phụng tự và sinh hoạt tôn giáo để tổ chức trường lớp”, ngược với đường lối chính sách của Nhà Nước tôn trọng và bảo hộ tài sản và nơi thờ tự của tôn giáo. Như thế quyết định ấy có hợp pháp, hợp lý, hợp tình không?[6] Quyết định ấy còn làm phai mờ vai trò trách nhiệm của lãnh đạo và của ngành giáo dục trong việc qui hoạch trường lớp cho quốc dân xứng hợp đã được Nghị Định 43 minh nhiên đề cập.

6. Cơ sở tư thục-tôn giáo nầy nằm trong nơi thờ tự của Giáo Xứ và đã không chuyển giao quyền sở hữu, hoặc tặng hiến cho bất cứ ai cả. Như trong số 1 trên đây cần được nhắc lại:

Căn cứ Nghị Định số 43/2000/NĐ-CP, chương III, điều 13d nói rõ: “Tư thục là cơ sở giáo dục ngoài công lập”.

Căn cứ Nghị Định 26/1999/NĐCP trong điều 11, số 1 : “Nhà Nước bảo hộ nơi thờ tự của tổ chức tôn giáo”, và số 2 nói : Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gìn giữ, tu bổ nơi thờ tự”.

Căn cứ Pháp Lệnh Tín Ngưỡng, Tôn Giáo, điều 26 : “...nghiêm cấm việc xâm phạm”.

Vậy cơ sở Tư Thục-tôn giáo nầy không thuộc sở hữu công lập mà là sở hữu của cộng đồng Giáo xứ Sáo Cát, nên cần phải được tôn trọng và bất khả xâm phạm, nghĩa là loại trừ những hành vi tùy tiện chiếm dụng, tước đoạt bất hợp pháp để sinh hoạt trường lớp trong nơi thờ tự của tôn giáo, đồng thời loại trừ kế hoạch đưa cơ sở nầy vào công lập[7] ngược hoàn toàn với ý muốn của cộng đồng giáo dân Giáo Xứ Sáo Cát. Đối với các cơ sở tư thục, Nhà Nước bảo hộ quyền sở hữu tài sản (x. NĐ 43 điều 26, 2), phương chi đây là một cơ sở vừa tư thục vừa tôn giáo đều được Nhà Nước bảo hộ.

7. Việc sinh hoạt trường lớp trong nơi thờ tự từ ấy đến nay đã và đang gây qúa nhiều phiền toái cho nơi thờ tự của Giáo Xứ !!! Biết khi nào mới có thể thấy được sự tôn trọng chính chắn nơi thờ tự của tôn giáo, và thỏa mãn công bằng xã hội[8] khi tình trạng quyết ý chiếm đoạt vẫn tồn tại duy trì ?! (xem hình ảnh minh thị sự phiền toái cho Giáo Xứ ở trang 10-11).

8. Bất cứ xâm phạm nào liên quan tới cơ sở của tôn giáo và quyền sở hữu của tôn giáo trong nơi thờ tự, ngược với chính sách của Nhà Nước, đều là vi phạm đường lối chính sách của Nhà Nước bảo hộ tài sản tôn giáo và nơi thờ tự tôn giáo; ngược với các quyết định của Bộ Giáo Dục Đào Tạo đã tiên liệu cũng là vi phạm các quyết định của Chính Phủ; và vi phạm quyền sở hữu của Giáo Xứ Sáo Cát trong chính nơi thờ tự của mình và gây ảnh hưởng không tốt trong quần chúng tôn giáo.

9. Giáo Xứ Sáo Cát đồng tâm nhất trí nói lên chính kiến của mình, yêu cầu UBND Thị Trấn Lăng Cô xét giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi cho Giáo Xứ để minh chứng sự công bằng xã hội, của ai cứ nấy”, chấm dứt sự tùy tiện chiếm dụng, tước đoạt bất hợp pháp, gây nhiều phiền toái hiện nay cho nơi thờ tự của Giáo Xứ và gìn giữ ảnh hưởng tốt trong quần chúng tôn giáo rất hiểu biết trong thế giới văn minh ngày nay.

10. Giáo Xứ Sáo Cát chúng tôi trình bày minh bạch căn cứ vào đường lối và chính sách của Nhà Nước cũng như của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo để được xét giải quyết công minh, vì rằng Nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (x. NĐ 43, điều 12, số 1) mà trách nhiệm lãnh đạo và ngành giáo dục cần phải quan tâm và qui hoạch xứng hợp.

III. Đề nghị giải quyết

các nhu cầu mục vụ cấp thiết trong Thế giới văn minh, Đất Nước phát triển, Thị Trấn vươn lên, chúng tôi đề nghị UBND Thị Trấn Lăng Cô nhanh chóng quan tâm giải quyết các điều liên quan tới Nghị Định 43 và yêu cầu của chúng tôi :

1/ Qui hoạch mạng lưới trường học cho quốc dân ở khu vực xứng hợp với văn hóa, văn minh của một Thị Trấn và tôn trọng đường lối chính sách của Nhà Nước bảo hộ nơi thờ tự, đồng thời phù hợp với các Quyết Định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã ban hành, để tái lập sự công bằng xã hội, tôn trọng nơi thờ tự của tôn giáo và xây dựng nét văn hóa, văn minh, xứng hợp của của một Thị Trấn Lăng Cô đang trên đà phát triển.

2/ Qui hoạch mạng lưới trường học xứng hợp cho quốc dân là trách nhiệm của các lãnh đạo và ngành Giáo Dục để chấm dứt phiền toái đã, đang và tiếp tục xảy ra không công bằng ngoài ý muốn trong nơi thờ tự của Giáo Xứ Sáo Cát chúng tôi.

3/ Trên nguyên tắc : Thời gian chuyển tiếp qui hoạch mạng lưới trường học xứng hợp cho quốc dân và xét giải quyết công minh cho yêu cầu trả lại cơ sở và quyền sở hữu của Giáo Xứ Sáo Cát chúng tôi trên cơ sở đang bị tước đoạt ngay chính trong nơi thờ tự, thời gian kể từ ngày ký văn thư này (14-09-2007) đến 31 tháng 10 năm 2007 (tham chiếu Nghị Định 84/2007/NĐ-CP ban hành 25-05-2007).

Trên thực tế: Trong khi chuyển tiếp qui hoạch, hai bên sẽ luôn thể hiện trong sự hiểu biết, nhẫn nại, chờ đợi và thông cảm lẫn nhau, để cùng nhau hài hòa giải quyết, xây dựng một nền văn hóa, văn minh cho Thị Trấn và cho cả Tôn Giáo trong thế giới hôm nay giữa lòng Thị Trấn Lăng Cô đang phát triển tràn đầy hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Trong khi chờ đợi UBND Thị Trấn Lăng Cô xét giải quyết, xin nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của chúng tôi.

Sáo Cát ngày 14 tháng 09 năm 2007

Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Sáo Cát đồng ký

Nguyễn Phát, Nguyễn Vinh, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Ghi, Nguyễn Đức Hồng, Hoàng Ngọc Thu, Nguyễn Trường, Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Trần, Nguyễn Huệ, Đặng Minh Chánh, Trần Thục, Nguyễn Văn Diệm, Cái Bình, Nguyễn Tính, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Tha, Nguyễn Văn Lớn (ký tên từng người)

Xác nhận của Linh Mục Quản Xứ

Xin Chính quyền các cấp xét giải quyết cho yêu cầu chính đáng của Giáo Xứ Sáo Cát. Chân thành cám ơn.

(ký tên và đóng dấu)

Lm. Phaolô Trần Khôi

Nơi nhận:

- Như trên

- Tòa Tổng Giám Mục Huế (để tường).

- Lưu Vp GX.

[1] Câu hỏi 1

[2] Câu hỏi 2

[3] Câu hỏi 3

[4] Câu hỏi 4

[5] Ngôi trường nói trên có nghĩa là “Cơ sở 2 Trường Tiểu Học Lăng Cô”, danh hiệu mới được dán vào và xóa tên “Tiểu Học Tư Thục Đồng Nguyên” của Giáo Xứ!

[6] Câu hỏi 5

[7] Ngày 29-08-2007, Giáo Xứ Sáo Cát biết được dự định của UBND Thị Trấn Lăng Cô sẽ qui hoạch cơ sở của Giáo Xứ vào công lập. Giáo Xứ Sáo Cát không chấp nhận hoàn toàn!








CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự Do - Hạnh phúc



Giáo Xứ Sáo Cát

01/QĐ-GX/2007

QUYẾT ĐỊNH

v/v Quyết định thu hồi Cơ sở Tư thục-Tôn giáo
của Giáo Xứ Sáo Cát trong nơi thờ tự.



Kính gởi Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu Trường Tiểu học Lăng Cô

Kính thưa Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu

Chúng tôi, Hội Đồng Giáo Xứ và toàn thể Giáo dân Giáo Xứ Sáo Cát, được sự chấp thuận của Linh Mục Quản Xứ, thuộc thôn Đồng Dương, Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên, Huế, xin gởi văn bản nầy để bày tỏ với Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu Trường Tiểu Học Lăng Cô một sự việc liên quan đến cơ sở Tiểu Học Tư Thục Đồng Nguyên trong chính nơi thờ tự của chúng tôi. Hy vọng Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu sẽ hiểu rõ hơn nữa vấn đề chúng tôi muốn đề cập nhằm cùng giúp nhau xây dựng sự công bình xã hội trong trật tự và sự thật, hầu can đảm mở ra một sự đổi mới tốt đẹp hướng về tương lai sáng ngời hơn cho Trường và cho cả Giáo Xứ chúng tôi giữa lòng một Thị trấn đang trên đà cần phát triển về mọi phương diện.

Với sự kính trọng và hiểu biết, chúng tôi xin dựa vào đường lối và chính sách của Nhà Nước và Bộ Giáo Dục và Đào Tạo để trình bày vấn đề như sau:

1. Căn cứ :

- Căn cứ Bộ Luật Dân Sự. Bộ luật nầy đã được Quốc Hội Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khóa XI kỳ họp 7 thông qua ngày 14-06-2005.

- Căn cứ Bộ Luật Hình Sự 2005-Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ngày 12-11-2005

- Căn cứ Tờ trình Giáo Xứ Sáo Cát Số 01/TT/GX/2007 gởi UBND Thị trấn Lăng Cô ngày 14-09-2007.

- Căn cứ Nghị Định 26/1999/NĐCP trong điều 11, số 1 (xác định lại NĐ 69/HĐBT, 21-03-1991) qui định rằng: “Nhà Nước bảo hộ nơi thờ tự của tổ chức tôn giáo”, và số 2 nói: “Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gìn giữ, tu bổ nơi thờ tự”.

- Căn cứ Thông Tư số 01/1999/TT/TGCP hướng dẫn thực hiện Nghị Định của Chính Phủ số 26/1999/NĐ-CP ngày 19-04-1999 như sau: “Cơ sở thờ tự của tổ chức tôn giáo là sở hữu chung của cộng đồng tín đồ được Nhà Nước bảo hộ” (Mục III, số 1. Điều 70 Hiến Pháp, điều 234 Bộ luật Dân Sự cũng đề cập tới điều nầy). Và “Không để cơ sở thờ tự bị lấn chiếm. Nhà Nước bảo hộ cơ sở thờ tự tôn giáo”.

- Căn cứ Pháp Lệnh Tín Ngưỡng Tôn Giáo, số 21/2004/PL-UBTVQH11, Điều 26 ra ngày 18-06-2004 xác định: “Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó” và Nghị Định 22/2005/NĐ-CP ngày 01-03-2005 hướng dẫn thi hành Pháp Lệnh.

- Căn cứ Thông Tư số 01/1999/TGCP, mục III, số 1 nói: “Cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo cho mượn có thời hạn nay đã hết hạn thì phải trả lại. Nếu có nhu cầu sử dụng phải thỏa thuận với tổ chức tôn giáo”.

- Căn cứ vào Bộ Trưởng Thủ Tướng (Ông Vũ Thân) lên tiếng, ký ngày 22-11-1977, số 1474-VP8: “Một số địa phương có ý định sử dụng cơ sở tôn giáo làm cho các người tu hành và các tín hữu thắc mắc kêu ca, ảnh hưởng không tốt về mặt chính trị. Do đó… yêu cầu UBND các cấp mỗi khi muốn trưng thu, trưng dụng…, hết sức tránh những việc làm tự tiện gây ảnh hưởng không tốt trong quần chúng tôn giáo”.

- Căn cứ Quyết định số 1447/GD&ĐT của Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Ông Trần Hồng Quân, ra ngày 02-06-1994 qui định rõ: “Không dùng nơi phụng tự và sinh hoạt tôn giáo để tổ chức trường lớp”.

- Căn cứ vào các công văn cũ: Nghị Định 297-CP (1977), Nghị Định 69/HĐBT (1991).

- Căn cứ Chỉ Thị 379/TTG (1993) trong tinh thần đổi mới.

- Căn cứ Báo Thanh Niên Số 66: Kỳ họp thứ 11: Quốc Hội khóa IX thảo luận dự thảo Nghị Quyết về giao dịch dân sự về nhà ở: “Ngày 31-12-1998 là hạn chót các cơ quan phải trả lại nhà đã mượn hoặc ở nhờ. Chậm nhất là 31-12-2000 đối với nhà cho thuê; 31-12-1998 đối với nhà cho mượn, hoặc ở nhờ”.

- Căn cứ Nghị Định của Chính Phủ số 43/2000/NĐ-CP ngày 30-08-2000 chương III, điều 13d cũng nói rõ: “Tư thục là cơ sở giáo dục ngoài công lập”.

- Căn cứ vào công văn của Chủ Tịch UBND Thị Trấn Lăng Cô, số 03/CV2003-UBND đề ngày 10-04-2003, trả lời cho Linh mục và giáo dân Giáo xứ Sáo Cát.

- Căn cứ Lịch sử Giáo Xứ Sáo Cát, trong quyển “Lược Sử các Giáo Xứ” của Tổng Giáo Phận Huế, Tập 1, trang 466.

- Căn cứ Nghị Định 43/2000/NĐ-CP : “Qui hoạch mạng lưới trường học, và nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân” (x. NĐ 43, điều 12, số 1).

2. Trình bày:

Căn cứ vào chính sách Nhà Nước và Bộ Giáo Dục và Đào Tạo liên quan tới nơi thờ tự và trường học trong nơi thờ tự, Giáo Xứ chúng tôi đã trực tiếp trình bày bằng văn bản qua Tờ Trình số 01/TT/GX/2007 ký ngày 14-09-2007 lên UBND Thị Trấn Lăng Cô, để xin hoàn trả lại cơ sở Tư Thục-Tôn Giáo - là cơ sở Tiểu Học Tư Thục Đồng Nguyên của chúng tôi - mà Ông Hiệu Trưởng và Trường Tiểu Học Lăng Cô đang trực tiếp quản lý qua nhiều năm và đã trở thành vấn đề vô cùng phiền toái cho Giáo Xứ chúng tôi[1] !

- Sau khi gởi Tờ Trình lên UBNDTTLC với tất cả nội dung minh bạch căn cứ trên đường lối chính sách của Nhà Nước và của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo liên quan tới việc phục hồi quyền sở hữu của chúng tôi trên cơ sở bị tước đoạt trong nơi thờ tự.

- Và sau thời gian hiệu lực do luật[2] trong tương quan với UBNDTTLC mà không có một công văn chính thức nào của UBNDTTLC có ý kiến phủ định, Tờ Trình của chúng tôi tự nó (ipso facto) có giá trị hiệu lực pháp lý - vừa do sự và vừa do luật - về quyền sở hữu trọn vẹn của chúng tôi trên cơ sở bị tước đoạt. Hành vi hành chánh của UBNDTTLC như thế có ý nghĩa mặc nhiên và cả minh nhiên công nhận.

Vì thế, với tất cả kính trọng, chúng tôi gởi văn bản nầy để trực tiếp vấn đề với Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu nhằm góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa lương thiện và tinh thần trách nhiệm trong một xã hội đang cố gắng đạt tới công bằng.

2.1. Căn cứ vào đường lối chính sách của Nhà Nước, chúng tôi xin đề ra nơi đây vài điểm liên quan để cùng nhau suy nghĩ :

1/ Việc tước đoạt quyền sở hữu của cá nhân hay của một pháp nhân (=tôn giáo) đối với cơ sở (=tài sản) của họ, không có luật nào bênh vực cho hành vi tước đoạt ấy![3]

2/ Việc tước đoạt cơ sở của kẻ khác tự bản chất là xấu, không có luật nào bênh vực cho hành vi tước đoạt xấu ấy ! (Tham chiếu Bộ Luật Hình Sự)[4].

3/ Người được uỷ quyền trực tiếp quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao[5], hoặc người chiếm hữu tài sản bất hợp pháp đã giao tài sản đó cho người thứ ba quản lý thì khi bị chủ sở hữu tài sản yêu cầu hoàn trả, người thứ ba có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đó; phương chi là cơ sở của chúng tôi bị tước đoạt trong chính nơi thờ tự, chiếu luật, cả người tước đoạt cơ sở và cả người được giao cho quản lý cơ sở bị tước đoạt càng phải nhanh chóng hoàn trả lại khi bị chủ sở hữu tài sản yêu cầu hoàn trả. Không có luật nào bênh vực cho hành vi tuớc đoạt và quản lý bất hợp pháp như thế ![6]

2.2. Căn cứ vào đường lối chính sách, luật lệ của Nhà Nước và quyết định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, chúng tôi đã lên tiềng nói chính thức với UBNDTTLC và hôm nay với Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu Trường Tiểu Học Lăng Cô, để cùng giúp nhau chân thành suy nghĩ và cảm thông cho phía chúng tôi, đồng thời chúng tôi cũng rất cảm thông đầy hiểu biết gánh nặng trách nhiệm lớn lao của Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu trong việc cần phải qui hoạch mạng lưới trường học xứng hợp cho quốc dân theo tinh thần của Nghị Định 43[7]. Việc ấy là trách nhiệm của thẩm quyền (UBNDTTLC)và ngành giáo dục. Dĩ nhiên rất cần nhiều thời gian để khai triển và giải quyết việc qui hoạch, và rất cần sự can đảm hướng về tương lai với trách nhiệm.

2.3. Xét theo bổn phận và trách nhiệm: Vì chúng tôi không có đủ tư cách, bổn phận và trách nhiệm trong việc qui hoạch mạng lưới trường học cho quốc dân theo Nghị Định 43, chỉ có UBNDTTLC và ngành giáo dục mới có đủ tư cách trách nhiệm trực tiếp đối với trường.[8] Đây chính là trách nhiệm đúng đắn của Thẩm quyền và của Trường, chứ không phải trách nhiệm của Giáo Xứ Sáo Cát chúng tôi trong việc qui hoạch trường ốc. Do đó, chúng tôi đề nghị Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu trường Tiểu Học Lăng Cô trình bày nhu cầu cấp thiết của học đường lên cơ quan có thẩm quyền, việc ấy là trách nhiệm chính đáng, đúng đắn và phù hợp với chức năng của Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu của Trường theo tinh thần của Nghị Định 43. Như thế chúng ta đang cùng nhau nhìn thẳng vấn đề và dám anh dũng mở ra sự đổi mới tốt đẹp cho Trường, cho xã hội và cho sự an vui của mọi người, nhất là cho Giáo Xứ chúng tôi đang chịu đựng quá nhiều phiền toái trong nơi thờ tự suốt 32 năm qua[9] !

2.4. Xét rằng suốt 32 năm dài, Giáo Xứ chúng tôi đã cống hiến cho sự nghiệp chung trong đó cho trường Tiểu Học Lăng Cô nhiều hữu ích không thể phủ nhận được, như trong thư của Ông Trần Bình Trọng Cựu Chủ Tịch UBND Thị Trấn Lăng Cô trong công văn số 03/CV2003-UBND đề ngày 10-04-2003, trả lời cho Linh Mục và giáo dân Giáo xứ Sáo Cát rằng : “Từ ngày thống nhất đất nước (1975) cho đến nay, các Linh mục và giáo dân thuộc Giáo Xứ Sáo Cát đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cùng với nhân dân trong xã xây dựng quê hương Lộc Hải trở thành Thị Trấn Lăng Cô ngày nay”. Vậy mà tiếng nói của chúng tôi như bị lãng quên, như bị khinh rẻ, không được tôn trọng! Vì thế, chúng tôi cứ cam chịu những phiền toái trong nơi thờ tự mà chỉ ai trí thức hiểu biết mới thấu hiểu được[10] ! Năm 2003 Giáo Xứ đã xin hoàn trả lại cơ sở, nhưng lại bị tiếp tục tước đoạt ngang xương[11] ! Năm 2007 chúng tôi xin lại một lần nữa, và nay chiếu luật, cơ sở và quyền sở hữu chúng tôi trên cơ-sở-bị-tước-đoạt được phục hồi trọn vẹn.

Thời gian đã viên mãn, chúng tôi rất cần thu hồi cơ sở của chúng tôi để chăm sóc sửa chữa vì cơ sở được Trường sử dụng qúa lâu năm mà không thể bảo trì được, bị hư hoại và xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm đến tính mạng trong các sinh hoạt chung, đồng thời để lo cho các công việc khẩn thiết của Giáo Xứ với bao nhiêu nhu cầu mục vụ trong thời đại văn minh hôm nay mà vì bị cấn kẹt với trường từ ấy đến nay chưa thể thực hiện được.

2.5. Kéo dài tình trạng lưỡng nan như thế chỉ vì lịch sự, tế nhị, tôn trọng, cảm thông đối với Trường, không ai sửa chữa được gì tốt đẹp hơn mà thêm bực bội phiền hà cho nhau! Chỉ có sự đơn giản đầy lương thiện rất trí thức, rất nhân bản, mới có thể giải tỏa vấn đề, nghĩa là của ai cứ nấy mới giúp trường và chúng tôi tiến đến chân trời mới tốt đẹp hơn! Hãy dám đối diện với những khó khăn của tương lai, chúng ta mới có thể đột biến phát triển mới, mở ra nhiều chiều kích mới và thăng hoa vẻ đẹp văn hoá cho xã hội, cho con người, cho Trường và cho cả chúng tôi nữa trong Thị Trấn của chúng ta. Tiếng nói chính trực nhỏ bé của chúng tôi hôm nay dù chưa được lắng nghe, nhưng rất tích cực và hy vọng sẽ khai mở cho con em chúng ta con đường tương lai tươi sáng hơn vì sẽ có ngôi trường mới, xứng hợp đúng qui cách hơn, đạt chuẩn quốc gia như ước mơ của Huyện Phú Lộc dám nhìn xa và phấn đấu đến năm 2010[12], chứ không phải bị gò bó tù túng, nóng nảy đáng thương cho con em chúng ta và cả Thầy Cô trong nơi thờ tự không hợp qui cách như hiện nay. Hãy can đảm nhìn xa, quyết tâm khắc phục những khó khăn tương lai mới có thể thay đổi diện mạo bên ngoài và hướng tới hiệu quả đào tạo đạt chuẩn hơn[13].

3. Quyết định

Trong thời gian chuyển tiếp, chúng tôi đề nghị Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu trực tiếp với UBNDTTLC để lên phương án giải quyết mới[14]. Chúng tôi có phương án cảm thông với Trường trong việc chuyển tiếp giải quyết như trong Tờ trình có đề cập.

Với văn bản này, chúng tôi báo trước quyết định của chúng tôi để Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu can đảm tiên liệu cho trường: hết niên khóa 2007-2008, nghĩa là đến hết ngày 15-06-2008, chúng tôi thu hồi cơ sở Tư thục-Tôn giáo trong nơi thờ tự của chúng tôi như đã trình bày trong văn bản này.

Kính chúc Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu Trường Tiểu Học Lăng Cô khỏe hơn, cao hơn, xa hơn và có nhiều can đảm để hy vọng mở ra một chân trời mới cho Trường và cho nền văn hóa Thị Trấn ngày càng tốt đẹp hơn.

Sáo Cát, ngày 15-10-2007

Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Sáo Cát đồng ký:

Nguyễn Phát, Nguyễn Vinh, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Ghi, Nguyễn Đức Hồng, Hoàng Ngọc Thu, Nguyễn Trường, Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Trần, Nguyễn Huệ, Đặng Minh Chánh, Trần Thục, Nguyễn Văn Diệm, Cái Bình, Nguyễn Tính, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Tha, Nguyễn Văn Lớn.

Xác nhận của Linh Mục Quản Xứ:

Xin Ông Hiệu Trưởng và Ban Giám Hiệu của Trường Tiểu Học Lăng Cô vui lòng quan tâm đến vấn đề tế nhị và chí tình của Giáo xứ Sáo Cát. Chân thành cảm ơn.

(Ký tên và đóng dấu)

Lm Phaolô Trần Khôi, Quản Xứ

Nơi nhận:

- Như trên

- UBND Thị Trấn Lăng Cô (để báo cáo)

- Lưu Vp Giáo xứ



[1] Chúng tôi thiết nghĩ có thể Ông Hiệu Trường và Ban Giám Hiệu Trường ngay tình không biết lịch sử, nguồn gốc xuất xứ cơ sở của chúng tôi, nhưng dù sao cũng biết là Trường và UBND không ai đã xây dựng nên cơ sở này ngoài chính Giáo Xứ chúng tôi. Nếu Trường biết rõ, chắc Giáo Xứ chúng tôi không đến nỗi vất vả theo bao năm tháng như hôm nay. Hầu hết người dân nơi thông Đồng Dương đây và cả các phụ huynh học sinh, họ đều biết rất rõ !!!

[2] Đến nay là đã 32 ngày rồi… UBND Thị trấn Lăng Cô là cơ quan có trách nhiệm xem xét và quyết định. Nếu bác bỏ Tờ Trình, UBND TTLC phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Sau thời hạn do luật định mà không có ý kiến khác, thì Tờ Trình có hiệu lực pháp lý (tham chiếu Nghị Định 22/2005/NĐ-CP ngày 01-03-2005.

[3] Bộ Luật Dân Sự, Điều 169 Quyền Sở Hữu: “1- Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. 2- Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật”.

[4] Tham chiếu Bộ Luật Hình Sự về các tội xâm phạm sở hữu, bị chế tài: điều 133- Tội cướp đoạt tài sản; Điều 135- Tội cưỡng đoạt tài sản; Điều 137- Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; Điều 139- Lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc lợi dụng cơ quan tổ chức để chiếm đoạt tài sản.

[5] Xem Bộ Luật Dân Sự Điều 185*2; Điều 247*1; Điều 158*1. Không có luật nào bênh vực cho hành vi tước đoạt và quản lý bất hợp pháp.

[6] Xem Bộ Luật Dân Sự, Điều 602.

[7] Ít ra cũng thao thức về “chất lượng tối thiểu của trường tiểu học”. Xem bài “Ban hành mức chất lượng tối thiểu của trường tiểu học” trong báo Thanh Niên, số 280, ra ngày 7-10-2007, trang 3.

[8] Biết kêu lớn tiếng như trong Kiến Nghị ngoài lề của ông Hiệu trưởng Trương Khắc Phương trường THCS Lộc Hải gởi cho Giáo Xứ Sáo Cát 01-10-2007: “Hãy vì tương lai của con em chúng ta, vì quyền lợi của con em thị trấn Lăng Cô nói chung trong đó có con em của giáo xứ nói riêng”. Nói là ngoài lề vì Giáo Xứ chúng tôi không gởi văn bản nào hay không có liên quan gì với trường THCS Lộc Hải! Kiến Nghị ấy kêu lên với chúng tôi trong khi trách nhiệm là của Trường ít là qua 32 năm rồi vẫn không lo tìm cách quy hoạch mạng lưới trường học một cách xứng hợp cho con em. Muốn kêu to tiếng vì tương lai của con em để chỉ biết oai phong ra lệnh và muốn tước đoạt của người khác cách bất hợp pháp, và che giấu trách nhiệm của mình! Không có luật nào bênh vực cho tiếng kêu thiếu trách nhiệm ấy!

[9] Dù rất tế nhị và phức tạp, tôn trọng và nhẫn nại, hiểu biết và cảm thông, nhưng vì lý do tôn giáo và mục vụ, Giáo Xứ đã hơn một lần xin hoàn lại cơ sở bị tước đoạt.

[10] Học sinh gây ô nhiễm môi trường nơi thờ tự, học sinh xâm phạm nơi thờ tự, học sinh ăn nói tục tĩu, thô lỗ, thiếu văn hóa trong nơi thờ tự làm hiểu lầm các thiếu nhi trong Giáo Xứ, rất hổ thẹn khi có quan khách du lịch thăm viếng, vệ sinh ô uế nơi thờ tự, rác rến, ồn ào vô trật tự trong nơi thờ tự, và vô số vấn đề khác của học sinh, mặc dù các em thật vô tội! Các Thầy Cô đến giờ dạy học mới tới có biết điều ấy không? Vấn đề là ở người trách nhiệm! Có lẽ không có người trách nhiệm trên học sinh của mình! Giáo xứ phải đón chịu các hậu quả như thế! Giáo Xứ còn nhẫn nại trước thái độ xem ra thách thức của Trường, nhẫn nại trong lời nói, việc làm và trước cả sự phức tạp mất thời giờ gặp gỡ đề nghị giải pháp trung dung về việc đóng mở cửa phòng lớp thuận tiện, vừa cho các học sinh, vừa cho các em trong Giáo Xứ được học giáo lý trong chính cơ sở của mình!!! Nhưng lạ lùng thay! Ai là người ra lệnh đóng cửa phòng lớp theo kiểu thái quá như thế? Các em thiếu nhi Giáo Xứ phải học giáo lý ngoài trời nắng non tội nghiệp! Tất cả đều được ghi nhận để hiểu được lối xử thế của người trách nhiệm thế nào.

[11] Vì năm 2000 đã có Nghị Định của Chính Phủ số 43/2000/NĐ-CP, năm 2003 Giáo Xứ xin hoàn trả lại cơ sở… nhưng lại bị tước đoạt không kể gì Hiến Pháp, Nghị Định, Thông Tư của Chính Phủ! Thật là ngang xương!

[12] Xem báo Thừa Thiên Huế, số 4002, ra ngày 09-10-2007, trang 3.

[13] Xem báo Thừa Thiên Huế, số 4002, ra ngày 09-10-2007, trang 3.

[14] Theo Báo cáo của bộ Giáo Dục và Đào Tạo, năm 2008, dự toán cần khoảng 76.200 tỷ cho giáo dục, chiếm 20% tổng chi ngân sách Nhà Nước (trích báo Đoàn Kết, số 132, ra ngày 09-10-2007, trang 10). Có thể Trường làm dự án sớm để xin.








<< Home

This page is powered by Blogger. Isn't yours?

Tin Việt Nam

(freevietnews.com)