Saturday, April 07, 2007

 

Toàn văn cái gọi là "Bản án phiên tòa ngày 30-3-2007 tại Huế"

Kính thưa Quý vị
Vì lý do kỹ thuật, chúng tôi không thể quét (scan) toàn bộ bản án dài 8 trang A4, sẽ rất nặng, khó tải trên mạng. Thành thử chúng tôi xin phép đánh lại trên vi tính, chỉ quét trang đầu và trang cuối để làm bằng chứng (cuối tài liệu)
Phần chú thích ở cuối là của chúng tôi. Chúng tôi cũng kê ra số điện thoại của một số nhân vật trong Hội đồng xét xử để Quý vị tiện liên lạc
Phóng viên FNA từ Huế
*******************************************************

TÒA ÁN NHÂN DÂN               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ               Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bản án số 11/2007/HSST
Ngày: 30/3/2007

NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Với thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Quốc Hiệp.
Các Hội thẩm nhân dân:
1. Ông Trần Mạnh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Ông Võ Văn Chinh, Trưởng ban thi đua khen thưởng tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Nguyễn Thị Kim Trọng và ông Nguyễn Đình Tú, đều là cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia phiên tòa:
1. Ông Trần Lý Thảo, Kiểm sát viên.
2. Ông Hồ Thanh Hải, Kiểm sát viên.

Ngày 30 tháng 3 năm 2007, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, mở phiên tòa công khai để xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 09/2007/HSST ngày 15 tháng 3 năm 2007, đối với các bị cáo:
1. Nguyễn Văn Lý, sinh ngày 15 tháng 5 năm 1946 tại tỉnh Quảng Trị; nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: 69 Phan Đình Phùng, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; nơi cư trú: thôn Bến Củi, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; trình độ văn hóa: lớp 12/12; con ông Nguyễn Văn Sản và bà Trần Thị Kính (đều đã chết); tiền án: ngày 13-12-1983, bị tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên xử phạt 10 năm tù về tội “Phá hoại khối đoàn kết toàn dân” và “Phá rối trật tự an ninh”; ngày 19-10-2001, bị Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 15 năm tù về tội “Không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản chế hành chính” và “Phá hoại chính sách đoàn kết”; bị bắt tạm giam ngày 29-3-2007; bị cáo có mặt tại phiên tòa.
2. Nguyễn Phong, sinh ngày 28 tháng 01 năm 1975 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; nơi cư trú: Kiệt 86 Lê Ngô Cát, xã Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; nghề nghiệp: buôn bán; trình độ văn hóa: lớp 12/12; con ông Nguyễn Văn Chế và bà Lê Thị Hường; có vợ và 3 con; bị bắt tạm giam ngày 29-3-2007, có mặt tại phiên tòa.
3. Nguyễn Bình Thành, sinh ngày 13 tháng 8 năm 1955 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; nơi cư trú: 87 Điện Biên Phủ, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; nghề nghiệp: thợ điện; trình độ văn hóa: lớp 12/12; con ông Nguyễn Bình Sinh (chết) và bà Hồ Thị Kim Loan; có vợ và 6 con; bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
4. Hoàng Thị Anh Đào, sinh ngày 26 tháng 2 năm 1986 tại tỉnh Gia Lai; nơi cư trú: thôn Trung Thượng, xã Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; nghề nghiệp: không; trình độ văn hóa: lớp 12/12; con ông Hoàng Trọng Xiết và bà Trần Thị Y; bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
5. Lê Thị Lệ Hằng, sinh ngày 04 tháng 3 năm 1963 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; nơi cư trú: 1/16/16 Đoàn Hữu Trưng, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; nghề nghiệp: giáo viên; trình độ văn hóa: lớp 12/12; con ông Lê Hữu Bá (chết) và bà Lê Thị Khi; có chồng và 2 con; bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Ông Đỗ Tuấn, sinh năm 1959; cư trú tại: 1/16/16 Đoàn Hữu Trưng, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; vắng mặt có lý do (1).

NHẬN THẤY:
Ngày 01-02-2005, Nguyễn Văn Lý được đặc xá, nhưng còn phải chấp hành hình phạt quản chế 5 năm theo bản án số 01/HSST ngày 19-10-2001 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong thời gian chấp hành hình phạt quản chế, Nguyễn Văn Lý tiếp tục lôi kéo, vận động Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Lê Thị Công Nhân, Hoàng Thị Anh Đào, Lê Thị Lệ Hằng chuẩn bị phương tiện, thực hiện nhiều hoạt động thu thập, soạn thảo, in ấn, tàng trữ, phát tán nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam như: xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo hiện nay tại Việt Nam, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, kêu gọi người khác tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2007… Nguyễn Văn Lý còn trực tiếp trả lời phỏng vấn các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài với nội dung xuyên tạc chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; đồng thời xúc tiến việc thành lập các tổ chức như “Khối 8406”, “Đảng Thăng tiến Việt Nam”, “Liên đảng Lạc Hồng” mà không được phép của Nhà nước, nhằm chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Theo sự phân công và chỉ đạo của Nguyễn Văn Lý thì:
Nguyễn Phong trực tiếp soạn thảo cương lĩnh, điều lệ "Đảng Thăng tiến Việt Nam", đưa cho Nguyễn Văn Lý chỉnh sửa trước khi công bố trên mạng Internet ngày 08-09-2006 với tư cách là Trưởng ban đại diện thành lập, ký kết thành lập cái gọi là "Liên đảng Lạc Hồng"; soạn thảo nhiều văn bản và tán phát trên mạng Internet với danh nghĩa của các tổ chức này. Nguyễn Phong được Nguyễn Văn Lý trang bị 01 máy vi tính, 01 điện thoại di động và từ tháng 9-2006 đến tháng 01-2007, Nguyễn Phong được Nguyễn Văn Lý trả công mỗi tháng 2.000.000 đồng để thực hiện các hành vi chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Nguyễn Bình Thành được Nguyễn Văn Lý giao nhiệm vụ mua máy in và các văn phòng phẩm như: giấy, mực, bao bì đựng tài liệu v.v… Hằng ngày đến nơi ở của Nguyễn Văn Lý để giúp Lý thực hiện việc in ấn, sắp xếp, đóng gói các tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; sửa chữa các công cụ, phương tiện phục vụ việc soạn thảo, in ấn tài liệu; chở Nguyễn Văn Lý đi quan hệ, gặp gỡ một số đối tượng có hoạt động chống Nhà nước, nhận tiền, mua sim điện thoại… để phục vụ cho hoạt động của Nguyễn Văn Lý và đồng bọn. Hàng tháng Nguyễn Bình Thành được Nguyễn Văn Lý trả công 1.200.000 đồng.
Hoàng Thị Anh Đào được phân công giúp Nguyễn Văn Lý chỉnh sửa về hình thức văn bản, in ấn, tán phát các tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam trên mạng Internet. Nguyễn Văn Lý trang bị cho Hoàng Thị Anh Đào 1 máy vi tính nối mạng Internet tại nhà để thực hiện việc tán phát và lưu trữ nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Hoàng Thị Anh Đào đã được Nguyễn Văn Lý trả công mỗi tháng 500.000 đồng.
Để mở rộng lực lượng tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong giới giáo chức, Nguyễn Văn Lý đã vận động Lê Thị Lệ Hằng tham gia "Khối 8406" và "Đảng Thăng tiến Việt Nam" và yêu cầu Hằng vận động người khác là đồng nghiệp tham gia "Đảng Thăng tiến Việt Nam" và "Khối 8406". Thực hiện yêu cầu của Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Lệ Hằng dùng máy vi tính có nối mạng Internet của mình nhận khoảng 10 đầu tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu do Nguyễn Văn Lý soạn thảo và tập hợp có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Tháng 01 năm 2007, Nguyễn Văn Lý đã giao cho Nguyễn Văn Thượng ở thôn Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế 04 tập tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam để Nguyễn Văn Thượng phát tán cho người khác. Đồng thời, Nguyễn Văn Lý còn tán phát nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam cho nhiều người ở nhiều địa phương.
Quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu giữ các vật chứng:
1. Thu của Nguyễn Văn Lý: 05 máy vi tính xách tay, 01 máy tính để bàn, 06 máy in, 07 máy điện thoại di động, 02 máy điện thoại cố định, 60 sim điện thoại chưa sử dụng, 08 thẻ điện thoại quốc tế (đã sử dụng), 87 sim điện thoại đã sử dụng, 02 ăngten, 01 máy quét ảnh, 01 model quay số, 01 combo tivi box, 02 loa, 01 thẻ nhớ điện thoại, 01 đầu thu kỹ thuật số, 01 dập kim, 02 cái USB, 02 tai nghe, 01 đầu đọc card USB 200, 01 HUB 8 cổng, 04 dây nguồn máy tính, 05 sạc điện thoại di động và 200kg tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
2. Thu giữ của Nguyễn Phong: 01 bộ máy vi tính (không có ổ đĩa cứng), 02 dây cắm nguồn, 02 dây USP và tai nghe, 01 điện thoại di động hiệu NOKIA 1110i và nhiều tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
3. Thu giữ của Hoàng Thị Anh Đào: 01 bộ máy vi tính, 01 model hiệu Speed Touch, 01 biến áp nhỏ, 04 dây cắm thuộc bộ máy tính và một số tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
4. Thu giữ của Lê Thị Lệ Hằng: 01 bộ máy vi tính và 3 dây cắm, 01 model, 01 biến áp nhỏ, 01 đoạn dây điện để nối với máy điện thoại và một số tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
5. Thu giữ của Nguyễn Bình Thành: 01 cuốn sách có tựa đề: “Nhận định về pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo 2004”.
Với các hành vi trên, tại bản cáo trạng số 13/KSĐT-HS ngày 15 tháng 3 năm 2007, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã truy tố bị cáo Nguyễn Văn Lý về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điểm a và c khoản 1 Điều 88 của Bộ luật hình sự; các bị cáo Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào và Lê Thị Lệ Hằng về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điểm c khoản 1 Điều 88 của Bộ luật hình sự.
Căn cứ vào những chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận (2) tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của các bị cáo.
XÉT THẤY
Năm 1983, Nguyễn Văn Lý đã bị Tòa án kết án 10 năm tù về các tội : “Phá hoại khối đoàn kết toàn dân” và “Phá rối trật tự an ninh”; năm 2001 Y lại bị Tòa án phạt 15 năm tù về các tội: “Phá hoại chính sách đoàn kết” và “Không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản chế hành chính”. Mặc dù Nguyễn Văn Lý mới chấp hành hình phạt chưa được 4 năm, nhưng với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện để Nguyễn Văn Lý hoàn lương, nên ngày 01 tháng 02 năm 2005 Nguyễn Văn Lý đã được Chủ tịch nước đặc xá (3).
Nhưng với bản chất ngoan cố, ngay sau khi được đặc xá, Nguyễn Văn Lý lại tiếp tục liên hệ với một số phần tử cực đoan, bất mãn chế độ, lợi dụng tôn giáo ở trong nước và các tổ chức, cá nhân phản động người Việt Nam ở nước ngoài để chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam; chuẩn bị, mua sắm dụng cụ, phương tiện để thu thập thông tin, soạn thảo, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Để thực hiện việc tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Nguyễn Văn Lý đã kêu gọi các thế lực phản động ở nước ngoài tổ chức biểu tình, chuyển lửa về quê nhà, gây áp lực đối với Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Ở trong nước, ngày 08 tháng 4 năm 2006, Nguyễn Văn Lý chỉ đạo số người khác có tư tưởng chống đối Nhà nước thành lập cái gọi là “Khối 8406”; lôi kéo Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào thành lập “Đảng Thăng tiến Việt Nam”, và phân công Nguyễn Phong làm Trưởng ban đại diện; chỉ đạo Nguyễn Phong soạn thảo cương lĩnh, điều lệ “Đảng Thăng tiến Việt Nam” rồi chỉnh lý và viết thông báo trên mạng Internet. Nguyễn Văn Lý chỉ đạo Nguyễn Phong liên hệ với Nguyễn Công Bằng, cầm đầu tổ chức phản động người Việt Nam ở nước ngoài gọi là “Đảng vì dân” để thành lập “Liên Đảng Lạc Hồng”. Bọn chúng đã soạn thảo tuyên bố thành lập, cương lĩnh, điều lệ và Nguyễn Văn Lý đã dự định đêm Giao thừa Tết Đinh Hợi sẽ công bố thành lập, tán phát tài liệu, cương lĩnh, điều lệ của “Liên Đảng Lạc Hồng” trên mạng Internet và một số đài phát thanh của những nhóm người Việt Nam phản động ở nước ngoài. Nhưng âm mưu của Nguyễn Văn Lý và đồng bọn đã kịp thời bị phát hiện, ngăn chận.
Hành vi soạn thảo, in ấn và cho tán phát các tài liệu có nội dung chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam của Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào và Lê Thị Lệ Hằng đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” như Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế truy tố là đúng người, đúng tội.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng, đã xâm hại đến sự vững mạnh của Nhà nước CHXHCN Việt Nam; phương hại đến an ninh quốc gia; gây chia rẽ giữa giáo dân với đồng bào theo các tôn giáo khác; hành vi phạm tội của các bị cáo còn là tiền đề để các thế lực trong và ngoài nước lợi dụng chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam; ảnh hưởng xấu đến hoạt động đối nội và đối ngoại của Nhà nước CHXHCN Việt Nam; gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Vì vậy, cần xử lý nghiêm minh theo nguyên tắc: nghiêm trị đối với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, tái phạm nguy hiểm; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, ăn năn hối cải.
Tuy nhiên, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, nên khi quyết định hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo trong vụ án này, Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào vai trò của từng bị cáo, vào tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do từng bị cáo thực hiện, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo trong vụ án.
Trong vụ án này, Nguyễn Văn Lý là người chủ mưu, cầm đầu và trực tiếp chỉ huy các đồng phạm khác thực hiện tội phạm; đồng thời cũng là người thực hành tích cực; Nguyễn Văn Lý không chỉ đề ra chủ trương, mà còn vạch kế hoạch, chỉ huy mọi hành động của các đồng phạm khác trong việc tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Khi còn đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam Hà Nam, Nguyễn Văn Lý đã tỏ ra là người ăn năn hối cải; kêu gọi các nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam; đồng thời cam kết sau khi ra tù chỉ hoạt động tôn giáo, chấm dứt mọi hoạt động chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam nên được Nhà nước ta khoan hồng đặc biệt, quyết định đặc xá cho Nguyễn Văn Lý. Sau khi ra tù, với bản chất ngoan cố, Nguyễn Văn Lý đã xúc tiến ngay việc hoạt động nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Năm 1977 Nguyễn Văn Lý bị bắt và xử lý về hành vi tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa; năm 1983 bị Tòa án xử phạt 10 năm tù về tội “Phá hoại khối đoàn kết toàn dân” và “Phá rối trật tự an ninh”; năm 2001, bị Tòa án xử phạt 15 năm tù về tội “Không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản chế hành chính” và tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”; lần phạm tội này đối với Nguyễn Văn Lý thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm; quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay, Nguyễn Văn Lý tỏ ra ngoan cố, bất hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng, thách thức pháp luật và nhiều lần vi phạm nghiêm trọng nội quy phiên tòa. Bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội hơn các bị cáo khác, có nhiều tình tiết tăng nặng và không có tình tiết nào giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Vì vậy, cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc mới có tác dụng giáo dục cải tạo bị cáo và đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Ngoài hình phạt chính, cần buộc bị cáo Nguyễn Văn Lý phải chịu hình phạt bổ sung là quản chế theo quy định tại các Điều 38, 92 Bộ luật hình sự.
Đối với bị cáo Nguyễn Phong, là đồng phạm tích cực, được Nguyễn Văn Lý vận động tham gia “Khối 8406”, thành lập “Đảng Thăng tiến Việt Nam” và “Liên đảng Lạc Hồng” đều với vai trò là trưởng ban đại diện. Theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phong dùng nhà ở của mình để làm văn phòng của “Đảng Thăng tiến Việt Nam”. Trực tiếp thu thập thông tin, soạn thảo nhiều kháng thư và một số văn bản tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra còn tham gia ban điều hành “Liên minh dân chủ nhân quyền Việt Nam”, giúp Nguyễn Văn Lý và đồng bọn in ấn, tàng trữ, tán phát nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Sau khi vụ án bị phát hiện, Nguyễn Phong đã có thái độ khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra, tố cáo hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Lý và đồng bọn, ra tuyên bố giải tán cái gọi là “Đảng Thăng tiến Việt Nam”, “Liên đảng Lạc Hồng”, cam kết chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến các tổ chức phản động mà Phong tham gia; bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; phạm tội do bị Nguyễn Văn Lý kích động, lôi kéo. Nhưng tại phiên tòa hôm nay lại có thái độ ngoan cố, khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội, không tỏ ra ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình (4); chính bị cáo đã để mất cơ hội được khoan hồng của pháp luật. Vì vậy Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc cần thiết đối với bị cáo, mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
Đối với bị cáo Nguyễn Bình Thành, là đồng phạm, giúp sức tích cực cho Nguyễn Văn Lý trong việc mua sắm, sửa chữa phương tiện phạm tội, in ấn, tàng trữ các tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam… Sau khi vụ án bị phát hiện, Nguyễn Bình Thành có thái độ khai báo thành khẩn, tỏ ra ăn năn hối cải, hợp tác với cơ quan điều tra, tố giác hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Lý và đồng bọn; cam kết từ bỏ các tổ chức phản động đã tham gia; nhân thân chưa có tiền án, tiền sự; phạm tội do bị Nguyễn Văn Lý vận động, lôi kéo. Nhưng tại phiên tòa hôm nay lại có thái độ khai báo không thành khẩn, không tỏ ra ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình (5); cũng như bị cáo Nguyễn Phong, bị cáo Nguyễn Bình Thành đã để mất cơ hội được khoan hồng của pháp luật. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cũng cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc để giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm; đồng thời cần bắt tạm giam bị cáo Nguyễn Bình Thành ngay tại phiên tòa để ngăn ngừa bị cáo tiếp tục phạm tội.
Đối với Hoàng Thị Anh Đào và Lê Thị Lệ Hằng đều là những đồng phạm, tham gia “Khối 8406” và “Đảng Thăng tiến Việt Nam”, giúp sức tích cực cho Nguyễn Văn Lý trong việc in ấn, tàng trữ, tán phát các tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Tuy nhiên các bị cáo này có thái độ khai báo thành khẩn, tỏ ra ăn năn hối cải, hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, tố giác đồng bọn; cam kết từ bỏ các tổ chức phản động đã tham gia, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước; việc tham gia các tổ chức phản động và giúp sức cho Nguyễn Văn Lý thực hiện tội phạm là do bị Nguyễn Văn Lý vận động, lôi kéo, lừa phỉnh, mua chuộc; nhân thân các bị cáo này chưa có tiền án, tiền sự (6). Vì vậy, có thể khoan hồng, áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt cũng đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm; đồng thời có thể xem xét cho các bị cáo được miễn chấp hành hình phạt dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự.
Đối với các tài liệu, đồ vật, Cơ quan điều tra thu giữ của các bị cáo trong khi khám xét và các tài liệu do ông Nguyễn Văn Thượng nộp lại đều là công cụ, phương tiện mà các bị cáo dùng vào việc phạm tội nên phải coi là vật chứng của vụ án và được xử lý theo quy định tại Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong số các vật chứng trên, căn cứ vào tính chất, đặc điểm và giá trị của từng loại, Hội đồng xét xử thấy có loại cần tịch thu sung quỹ Nhà nước, có loại phải tịch thu tiêu hủy.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào và Lê Thị Lệ Hằng phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Áp dụng điểm a và c khoản 1 Điều 88, điểm a và g khoản 1 Điều 88 và Điều 92 của Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Văn Lý tám năm tù. Thời hạn tính từ ngày bị bắt tạm giam (ngày 29-3-2007) và phạt quản chế năm năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 88, điểm q khoản 1 Điều 46; điểm a khoản l Điều 48 và Điều 92 của Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Phong sáu năm tù. Thời hạn tính từ ngày bị bắt tạm giam (ngày 29-3-2007) và phạt quản chế ba năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 88, điểm q khoản 1 Điều 46; điểm a khoản l Điều 48 và Điều 92 của Bộ luật hình sự và khoản 2 Điều 228 của Bộ luật tố tụng hình sự, xử phạt Nguyễn Bình Thành năm năm tù. Thời hạn tính từ ngày bị bắt tạm giam (ngày 30-3-2007) và phạt quản chế hai năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Bắt tạm giam bị cáo Nguyễn Bình Thành tại phiên tòa.
Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 88, điểm p và q khoản 1 Điều 46, 47, điểm a khoản l Điều 48 và Điều 60 của Bộ luật hình sự;
Xử phạt Hoàng Thị Anh Đào hai năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là ba năm; giao bị cáo Hoàng Thị Anh Đào cho ủy ban nhân dân xã Thủy Biều, thành phố Huế giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.
Xử phạt Lê Thị Lệ Hằng một năm sáu tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là hai năm sáu tháng; giao bị cáo Lê Thị Lệ Hằng cho ủy ban nhân dân phường Phước Vĩnh, thành phố Huế giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.
Áp dụng Điều 41 của Bộ luật hình sự và Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự, tịch thu sung công quỹ Nhà nước: 5 máy vi tính xách tay, 1 máy tính để bàn, 6 máy in, 7 máy điện thoại di động, 2 máy điện thoại cố định, 60 sim điện thoại chưa sử dụng, 2 ăngten, 1 máy quét ảnh, 1 model quay số, 1 combo tivi box, 2 loa, 1 thẻ nhớ điện thoại, 1 đầu thu kỹ thuật số, 1 dập kim, 2 cái USB, 2 tai nghe, 1 đầu đọc card USB 200, 1 HUB 8 cổng, 4 dây nguồn máy tính, 5 sạc điện thoại di động thu của Nguyễn Văn Lý; 1 bộ máy vi tính (không có ổ đĩa cứng), 2 dây cắm nguồn, 2 dây USP và tai nghe, 1 điện thoại di động hiệu NOKIA 1110i thu của bị cáo Nguyễn Phong; 1 bộ máy vi tính, 1 model hiệu Speed Touch, 1 biến áp nhỏ, 4 dây cắm thuộc bộ máy tính thu của Hoàng Thị Anh Đào; 1 bộ máy vi tính và 3 dây cắm, 1 model, 1 biến áp nhỏ thu của Lê Thị Lệ Hằng.
Tịch thu tiêu hủy toàn bộ tài liệu đang bị thu giữ của các bị cáo Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào và Lê Thị Lệ Hằng và số tài liệu do ông Nguyễn Văn Thượng nộp lại là những tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Nhà nước cấm lưu hành; 8 thẻ sim điện thoại quốc tế (đã sử dụng), 87 sim điện thoại (đã sử dụng) thu giữ của bị cáo Nguyễn Văn Lý và một đoạn dây điện thu của Lê Thị Lệ Hằng nhưng không còn giá trị sử dụng.
Các bị cáo Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào và Lê Thị Lệ Hằng, mỗi bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm là 50.000 đồng.
Các bị cáo có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được trích lục bản án.

Nơi nhận:               TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM
- VKSND tối cao;               THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
- TAND tối cao;               (ký tên và đóng dấu)
- VKSND tỉnh TT-Huế;               Bùi Quốc Hiệp
- Công an tỉnh TT-Huế;
- Bị cáo;
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan;
- Trại giam;
- Thi hành án;
- Dán án;
- Lưu HS
___________________________________________________

Chú thích của Phóng viên FNA

(1) Đây là điều hoàn toàn dối trá. Ông Đỗ Tuấn đã có làm đơn yêu cầu được hiện diện tại tòa nhưng tòa đã không thèm trả lời. Ngày xử, ông Tuấn có đến trước tòa án nhưng bị xua đuổi. Thân nhân của 4 bị cáo còn lại cũng như đại diện của tòa Tổng giám mục Huế không hề được giấy mời; và khi họ đến trước cổng tòa án thì bị xua đuổi, sau đó ra công viên trước tòa án cũng bị đuổi tiếp. Xin nói thêm là sáng ngày 30-3, hầu hết các linh mục tại Huế và vùng phụ cận đều bị chính quyền địa phương “mời” đi “làm việc” để các vị khỏi đến tòa án.
(2) Phiên tòa không hề có luật sự, các bị cáo hoặc bị bịt miệng hoặc bị kéo khỏi vành móng ngựa khi nói không theo ý tòa thì làm gì có tranh luận !!!
(3) Linh mục Lý được thả tù sớm là do áp lực của quốc tế và đồng bào hải ngoại. Ngoài ra, linh mục Lý là tù nhân lương tâm, là nạn nhân của bất công, chẳng hề là tội nhân nên không thể nói đến vấn đề ân xá đặc xá ở đây!
(4) và (5) Hai bị cáo Nguyễn Phong và Nguyễn Bình Thành chẳng những đã tố cáo công an dùng bạo lực ép cung, rồi tiếp đó mạnh mẽ phản cung, mà còn khẳng định mọi công việc đấu tranh của mình là chính đáng, cách hiên ngang can đảm.
(6) Sau khi thấy linh mục Lý, hai anh Phong Thành đã mạnh mẽ lên tiếng, Hội đồng xét xử sợ hai cô Đào và Hằng cũng bày tỏ cùng một thái độ (cả hai đã chuẩn bị điều này từ trước), nên đã chấm dứt ngay phần thẩm cung để tạm nghỉ và nghị án.
Thông tin mới nhất
- Tối ngày 06-04-2007 tại Việt Nam, trên kênh truyền hình VTV1, mục “Vì An ninh tổ quốc” (chương trình của ngành công an), cuốn phim về cha Lý và 4 chiến sĩ trước phiên tòa 30-3-2007 đã được chiếu khá dài. Khán giả đã nghe thấy được nhiều phát biểu mạnh mẽ của cha Lý cũng như các hành vi bạo ngược của công an.
- Cũng ngày 06-04-2007, bà Nguyễn Thị Hiểu đã được trung tá công an Trần Hồng Lam (phụ trách Khối Công giáo tại Huế) cho biết qua điện thoại là chớ nên ra trại Hà Nam để thăm nuôi cha Lý vì sẽ không được gặp mặt cũng như gởi vật dụng; phần chị Trịnh Ngọc Thúy, vợ anh Nguyễn Phong, cũng bị nhân viên nhà lao Thừa Phủ, Huế, cho biết là có lệnh trên cấm thân nhân thăm gặp hay gởi vật dụng cho hai tù nhân (Phong và Thành) trong thời gian này, và chẳng biết lệnh cấm này kéo dài cho tới bao lâu. Thông thường thì các tù nhân được thăm gặp sau khi đã ra tòa.
Số điện thoại của vài thành viên Hội đồng xét xử
- Bùi Quốc Hiệp (thẩm phán, chủ tọa phiên tòa) : 054.529.681.
- Trần Mạnh (Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh TT-H): 054.884.041
- Trần Lý Thảo (Kiểm sát viên viện Kiểm sát nhân dân): 054.824.207

Phóng viên FNA tường trình từ Huế lúc 9g30 ngày 07-04-2007







<< Home

This page is powered by Blogger. Isn't yours?

Tin Việt Nam

(freevietnews.com)