Saturday, April 21, 2007
TÂM THƯ NGỎ KÍNH GỞI HÀNG LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM
TÂM THƯ NGỎ
KÍNH GỞI HÀNG LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM
VỀ CHUYỆN BẦU CỬ QUỐC HỘI 20-5-2007
VỀ CHUYỆN BẦU CỬ QUỐC HỘI 20-5-2007
Kính thưa Quý Đức Hồng y, Tổng Giám mục và Giám mục
Kính thưa Quý Anh em trong hàng Linh mục
Chúng con là 4 linh mục tại Việt Nam, đại diện cho Nhóm Linh mục (tinh thần) Nguyễn Kim Điền, xin phép thưa đôi lời với Quý Đức Cha trong hàng Giáo phẩm và Quý Cha trong hàng Giáo sĩ tại Việt Nam nhân cuộc bầu cử Quốc hội tổ chức vào ngày 20-5-2007 sắp tới.
Kính thưa Quý Đức Cha và Quý Cha,
Chỉ còn một tháng nữa là cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 12 sẽ diễn ra. Như trong 11 lần trước từ năm 1945 đến năm 2002, lần bầu cử này vẫn do Đảng Cộng sản tổ chức thao túng và vẫn dụng nguyên tắc “đảng cử dân bầu”, nghĩa là những ứng viên được đưa ra cho Dân bỏ phiếu đều là đảng viên hoặc đã được đảng chọn kỹ lưỡng, và tỷ lệ đại biểu đảng viên đã được ấn định trước vẫn là 90%, đại diện cho hơn 2 triệu đảng viên còn 10% đại diện cho hơn 80 triệu đồng bào. Năm nay, cho có vẻ dân chủ, nhà nước có kêu mời nhân dân tự ứng cử. Nhưng mỉa mai thay, từ con số 238 người tự ứng cử vào Quốc hội khóa 12 tại Hà Nội và Sài Gòn, thì qua hiệp thương lần cuối của Mặt trận Tổ quốc, chỉ còn vỏn vẹn... 13 người. Theo báo chí và đài phát thanh trong lẫn ngoài nước, nhiều người tự ứng cử đã bị ép buộc rút đơn, hay đã bị loại qua sau một cuộc lấy ý kiến cử tri mang hình thức đấu tố thời Cải cách ruộng đất. Nay thì mọi lời kêu gọi hay đóng góp ý kiến đầy tâm huyết cho một cuộc bầu cử tự do, công bằng, dân chủ, đa đảng đã hoàn toàn thất bại.
Chính vì thế, thay vì làm thành một cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện thực sự cho toàn dân (như Hiến pháp điều 83 nói), thì Quốc hội tới sẽ vẫn chỉ là một công cụ của đảng Cộng sản, một con dấu cao su (cách gọi của báo giới quốc tế) đóng lên các quyết định của đảng, cụ thể là của nhúm người trong Bộ Chính trị. Các kẻ trúng cử sẽ chẳng là những Dân biểu (Đại biểu của Dân) nhưng là những Đảng biểu (Đại diện cho đảng, thừa hành của đảng, đảng biểu gì làm nấy!). Chính vì thế mà qua bao thập niên, Quốc hội này đã đưa ra hay đã chuẩn nhận vô số bộ luật phục vụ cho quyền lợi của đảng Cộng sản hơn là phục vụ quyền lợi của nhân dân và đất nước, bởi lẽ đấy chỉ là một thành tố trong cơ chế tam quyền phân công (dưới sự lãnh đạo lèo lái của đảng CS) chứ không phải là tam quyền phân lập như trong các quốc gia dân chủ văn minh.
Cũng chính vì thế, trong hơn 60 năm qua, dưới chế độ Cộng sản, việc đi bầu đã luôn là điều gượng ép đối với mọi người Dân Việt. Đảng và nhà nước đã dùng nhiều biện pháp để lùa dân tới phòng phiếu, nhẹ thì buộc các thân nhân bầu thay, nặng tay hơn là cưỡng bức bằng cách bằng cách đe dọa gây khó dễ về sau trong công việc làm ăn, xin chứng nhận giấy tờ..., đặc biệt thô bạo là trừng phạt những ai khước từ bỏ phiếu vì lương tâm xét thấy nghĩa vụ rất cao cả và quyền lợi rất cơ bản đó đã bị Đảng CS biến thành phương tiện để duy trì và củng cố ách độc tài của đảng.
Hậu quả là cho tới nay, những cuộc bầu cử Quốc hội tại Việt Nam đã không đem đến một nền Pháp chế công minh, một nền Dân chủ đúng nghĩa, một nền Tự do đích thực cho Tổ quốc, đã không tạo ra những Đại biểu chỉ một lòng thực thi ý muốn của Dân, chỉ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Dân và chỉ dựa vào sức mạnh, niềm kính trọng, lòng tin yêu của Dân để hành xử, để soạn ra Pháp luật. Bởi thế Việt Nam vẫn đầy dẫy dối trá và bạo hành, thảm cảnh và tệ nạn, tụt hậu và suy đồi, không có các Quyền tự do cơ bản như Tự do Tôn giáo, Tự do Ngôn luận, Tự do Lập hội, Tự do Ứng cử và Bầu cử,… không thể vươn tới tầm cao phát triển nhân sinh nhân quyền như mọi Quốc gia Dân chủ Văn minh.
Vì những lý do đó,
- dựa vào truyền thống của các Hội đồng Giám mục năm châu luôn có ý kiến để hướng dẫn dân Chúa trong các cuộc bầu cử tổng thống hay quốc hội (ví dụ cụ thể là Thông điệp của Hội đồng Giám mục Pháp ngày 18-10-2006 về các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Pháp. Xin xem Documentation Catholique số 2368, 19-11-2006);
- dựa vào sứ mạng của Quý Đức Cha và Quý Cha là giảng dạy và nêu gương cho giáo dân về tính chân thực, sự công bằng và lòng dũng cảm (2 trong 4 nhân đức cơ bản), vừa trong tư cách con người và tư cách công dân, vừa trong tư cách kitô hữu và tư cách lãnh đạo Giáo đoàn;
- dựa vào Thư Mục vụ năm 2006 của Quý Đức Cha (số 7): “Để xây dựng một xã hội công bằng, ngoài việc giáo dục để biết tôn trọng những quyền căn bản của con người, cũng cần có một cơ chế thích hợp bảo đảm thực hiện được quyền này. Công việc này đòi hỏi sự đóng góp từ nhiều phía... Sự công bằng cần phải đi đôi với lòng tôn trọng sự thật, vì tôn trọng sự thật là điều kiện để xây dựng một cộng đoàn yêu thương”,
Chúng con tha thiết thỉnh cầu Quý Đức Cha và Quý Cha tham gia cuộc tẩy chay bầu cử Quốc hội lần thứ 12 này (phương cách duy nhất để ngăn chận sự hình thành một cơ chế bù nhìn tai hại) cùng với Khối 8406 (Lời kêu gọi ngày 08-01-2007), với Liên minh Dân chủ Nhân quyền Việt Nam (Lời Kêu gọi ngày 27-01-2007), với hơn 60 đoàn thể, tổ chức của đồng bào hải ngoại (Lời Kêu gọi ngày 20-05-2007) và với hàng chục triệu đồng bào trong nước vốn đã chán ngấy đến tận cổ các cuộc bầu cử giả tạo. Đây chẳng phải là “làm chính trị” theo nghĩa hẹp (chính trị đảng phái) nhưng làm chính trị theo nghĩa rộng (chính trị công dân), đúng tinh thần của Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong lời tuyên bố đăng trên nhật báo La Stampa ở Ý tháng 3-1991: “Tôi nghĩ rằng không thể hiểu chính trị theo nghĩa hẹp. Nhiệm vụ của Giáo Hoàng là rao giảng Phúc âm, nhưng trong Phúc âm có con người, sự tôn trọng đối với con người, tức là Nhân quyền, sự tự do lương tâm và tất cả những gì thuộc về con người. Nếu tât cả những điều đó có một giá trị chính trị, thì đúng Giáo Hoàng có làm chính trị. Giáo Hoàng luôn đề cập đến con người. Giáo Hoàng bênh vực con người”.
Với tư cách những lãnh đạo tinh thần có uy tín, quyền bính và hậu thuẫn mạnh mẽ của giáo dân, hành vi tẩy chay bầu cử của Quý Đức Cha và Quý Cha (bằng tuyên bố công khai và hành động rõ ràng) sẽ tác động tốt đẹp lên hiện tình mất dân chủ của đất nước, sẽ làm sáng tỏ khuôn mặt của Giáo hội như chứng nhân can trường cho sự thật và chiến sĩ nhiệt thành của lẽ phải, sẽ thúc đẩy hàng ngũ giáo dân xông mình vào trần thế để thực hiện điều mà Hội Ðồng Giám Mục Á Châu khi họp ở Tokyo, Nhật Bản hồi 1986 đã nói: “Trước hết chính trị phải trở thành một hoạt động chung, toàn thể dân Chúa được mời gọi dấn thân vào hoạt động chính trị ấy, vì Phúc Âm đòi hỏi Kitô hữu đưa Phúc Âm và những giá trị Nước Trời -là tình thương và công bình- xâm nhập vào những lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, và xã hội của Châu Á. Ai tuyệt đối khước từ đòi hỏi thay đổi chính trị ở Châu Á, ắt là một cách nào đó, cũng phủ nhận căn tính Kitô của mình”.
Chúng con nguyện xin Chúa Thánh Thần đổ xuống trên Quý Đức Cha và Quý Cha muôn vàn hồng ân để biến Quý Đức Cha và Quý Cha thành lửa và gió của Người, hầu góp phần canh tân bộ mặt trái đất và biến đổi hoàn cảnh xã hội Việt Nam.
Việt Nam mùa Phục sinh, ngày 20-04-2007
Đại diện Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền
Chúng con đồng ký tên
- Têphanô Chân Tín, Dòng Chúa Cứu Thế.
- Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng Giáo phận Huế.
- Tađêô Nguyễn Văn Lý, Tổng Giáo phận Huế.
- Phêrô Phan Văn Lợi, Tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Chú thích:
1- Tuy linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị vào tù ngày 30-03-2007, nhưng vì đã đồng thuận trước với các anh em còn lại trong Nhóm, nên cũng được đặt tên vào đây.
2- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền cũng đã đưa ra một “Lời kêu gọi bầu cử Quốc hội đa đảng và tẩy chay bầu cử Quốc hội độc đảng năm 2007” gởi tới toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài Nước ngày 17-10-2005.